Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc và Indonesia căng thẳng trên biển, Bộ Ngoại giao lên tiếng

(VTC News) -

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 bình luận về căng thẳng trên biển gần đầy giữa Trung Quốc và Indonesia.

Chiều 9/1, trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết bình luận của Việt Nam liên quan tới tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna của Indonesia, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: 

"Mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển với các vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, thúc đẩy việc duy trì hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác tại khu vực”.

Trung Quốc và Indonesia căng thẳng trên biển, Bộ Ngoại giao lên tiếng - 1

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói chuyện với Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Indonesia Edhy Mitchowo trong chuyến thăm Natuna thuộc Quần đảo Riau, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Không quân Indonesia hôm 7/1 điều 4 máy bay chiến đấu ra khu vực quần đảo Natuna để gây sức ép buộc các tàu của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của họ. 

Một ngày trước đó, Jakarta xác nhận huy động ngư dân tới khu vực phía bắc Natuna và triển khai một số tàu chiến để đối phó với hành vi xâm phạm của Trung Quốc. 

Liên quan tới vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh đã "mở ra những kênh ngoại giao" với Indonesia kể từ lúc căng thẳng xuất hiện, đồng thời khẳng định hai nước đều có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Cũng trong buổi họp báo chiều 9/1, bình luận về việc Malaysia đệ trình lên Liên hợp quốc bản đồ giới hạn thềm lục địa của nước này ở Biển Đông, bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Là quốc gia thành viên của UNCLOS, Việt Nam được hưởng đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS. Đồng thời Việt Nam cũng bảo lưu quyền, chủ quyền với thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 hải lý ở Biển Đông như đã nêu trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới Lục địa năm 2009”, người phát ngôn cho hay. 

 

Song Hy

Tin mới