Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội Trung Quốc cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Milius của Mỹ hôm 23/3 đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Trung Quốc Tian Junli cho biết quân đội nước này "đã tổ chức các lực lượng trên biển và trên không để theo dõi và giám sát tàu chiến Mỹ theo luật" và "cảnh báo nó rời đi".
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Người phát ngôn Tian Junli cáo buộc hành động này của tàu Mỹ "phá hoại hòa bình và ổn định trong vùng biển khu vực".
Tuy nhiên, hải quân Mỹ sau đó bác bỏ tuyên bố của quân đội Trung Quốc, nói rằng tàu khu trục USS Milius đang tiến hành "các hoạt động thường lệ" ở Biển Đông và không bị xua đuổi.
"Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", tuyên bố từ Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết.
Mỹ nhiều lần điều các nhóm tác chiến tàu sân bay và đổ bộ tấn công tới Biển Đông, tuyên bố hoạt động này nhằm "thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Hải quân Mỹ cũng tổ chức nhiều hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, trong đó có điều chiến hạm áp sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đối với chủ quyền ở quẩn đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.