Trung Quốc đang phải gánh hậu quả, cụ thể là sự ghẻ lạnh của ngày càng nhiều quốc gia đối với chính sách đối ngoại coi thường luật pháp quốc tế của nước này.
Trong năm 2020, đồng loạt các quốc gia ở Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ và Australia hay 3 nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức - cũng gửi công hàm bác bỏ yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh.
Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng công hàm chỉ trích tham vọng Biển Đông của Trung Quốc gia tăng. Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác quân sự trong khu vực cũng được thúc đẩy khiến dư luận thế giới tin rằng, có một “liên minh kiềm chế sự hung hăng, bành trướng, bất chấp luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông” đang tồn tại.
Điển hình là cuộc tập trận chung của nhóm “Tứ giác kim cương” (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ tại Thái Bình Dương nhằm phô trương sức mạnh, gửi thông điệp cứng rắn tới Bắc Kinh.
Mỹ và các thành viên trong nhóm "Tứ giác kim cương” (QUAD) gồm Australia, Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường các cuộc tập trận tại Thái Bình Dương nhằm phô trương sức mạnh, gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Điều này cho thấy, Biển Đông thu hút được sự chú ý của nhiều quốc gia và các nước sẵn sàng có các hành động trên thực địa để đối phó với tham vọng của Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc cố gắng bắt tay với cả thế giới. Chính quyền Bắc Kinh thực hiện hàng loạt chuyến công du giao hảo bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành. Họ thất bại! Điều này đặc biệt thấy rõ trong chuyến thăm “quyến rũ” Liên minh châu Âu (EU) của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trung Quốc chật vật tìm công thức mới hợp tác với các quốc gia EU khi khối này ngày càng thận trọng với Bắc Kinh. Không chỉ EU, Ấn Độ, Australia và nhiều nước khác cũng không mặn mà với việc nắm bàn tay hữu nghị với Trung Quốc.
Để làm rõ hơn về sự đồng thanh tương ứng của các quốc gia trong việc kiềm chế sự hung hăng, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, VTC News đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam về vấn đề này.
- Trong năm 2020, các nước đưa ra phản đối ngày càng mạnh mẽ, chỉ trích đích danh các yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại sao các nước lại phản ứng như vậy, thưa ông?
Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông vừa qua bộc lộ rõ tham vọng rất lớn: Âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông.
Động thái xây dựng các đảo nhân tạo, gây sức ép với các quốc gia láng giềng cũng như đưa ra các tuyên bố chủ quyền sai trái của Bắc Kinh khiến cách nhìn nhận của các nước cũng như của Mỹ về mối đe dọa của Trung Quốc đã thay đổi.
Quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông khác nhau qua các thời Tổng thống. Nhưng tất cả đều liên quan đến nhân tố Trung Quốc.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, sự phát triển quá mạnh của Trung Quốc đã bộc lộ rõ tham vọng của của quốc gia châu Á. Điều này tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ, và Washington nhìn nhận các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là một thách thức.
Gần đây, Mỹ tăng cường can dự, khiến Biển Đông trở thành điểm nóng. Trong chiến lược an ninh quốc gia của mình, Mỹ đã xem Trung Quốc là mối đe dọa. Điều này đã “cởi trói” về mặt tư duy. Chính vì vậy, trong các tuyên bố của quan chức Nhà Trắng đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Quốc hội Mỹ giai đoạn này cũng đưa ra rất nhiều nghị quyết, đạo luật trừng phạt đối với các công ty, thực thể của Trung Quốc.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được các nước đánh giá rất cao. Nhưng bên cạnh đó cũng là sự cảnh giác với tham vọng bành trướng lãnh thổ của nước này. Thời kỳ trước, Trung Quốc chưa thể hiện nhiều tham vọng của mình, luôn “giấu mình chờ thời”. Nhưng hiện nay, thuyết về “mối đe dọa” của Bắc Kinh đối với các quốc gia Đông Nam Á trỗi dậy mạnh mẽ.
Các quốc gia ở ngoài khu vực, kể cả Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức… cũng nhìn nhận vấn đề theo góc nhìn tương tự.
Mỹ là đồng minh của các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan, còn nhiều nước NATO xem Mỹ là cái ô bảo trợ về an ninh. Vì vậy, khi Mỹ đã xem Trung Quốc là mối đe dọa, thì các nước này cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Khi Mỹ phản bác mạnh mẽ Trung Quốc, tiếng nói này sẽ tạo ra ngọn cờ, củng cố niềm tin cho các nước trong việc ngăn chặn, kiềm chế Bắc Kinh. Do đó, các nước đã có những phản ứng quyết liệt hơn trước các tuyên bố sai trái, yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý, Anh và Pháp không ngừng gửi tàu chiến tập trận ở Biển Đông, tới gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng để thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này.
Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp.
- Đây có phải là một diễn biến đồng thuận với lời kêu gọi thành lập “liên minh kiềm chế Trung Quốc hung hăng, bành trướng” của Mỹ không?
Từ trước đến nay, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn nghi ngờ Mỹ, giữ thái độ cân bằng trong quan hệ Mỹ - Trung do sự hoài nghi đối với các cam kết của Mỹ ở khu vực. Do đó, các nước vẫn muốn dựa vào quan hệ hợp tác có lợi với Trung Quốc.
Việc Mỹ đưa ra tuyên bố bác yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông vào ngày 13/7 đã tạo ra cơ sở cho các quốc gia này tin rằng Washington thực sự coi trọng vấn đề Biển Đông. Chính tuyên bố đó đã thể hiện quyết tâm, định hướng rõ ràng trong chính sách của Washington về vấn đề này.
Lập trường của Mỹ trước đây về Biển Đông trung lập. Nhiều quốc gia cho rằng Washington lập lờ, có ý đồ riêng khi không tuyên bố ủng hộ hay bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ chưa tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) cũng khiến các nước rất quan ngại.
Đồng thời, việc Mỹ chính thức lên tiếng phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đã tạo ra niềm tin cũng như làm rõ nhận thức chung giữa các nước về vấn đề Biển Đông và yêu sách của Bắc Kinh ở vùng biển này. Do đó, động thái của Mỹ nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực. Chính quyền Mỹ đã thành công trong việc tập hợp tiếng nói ủng hộ về chính sách của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.
Đây có thể coi là một mặt trận của Mỹ trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Và có thể nói rằng, hiện Mỹ đã thành công trong việc đưa Biển Đông trở thành vấn đề quan tâm chính của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế.
Trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Mỹ coi Đông Nam Á là trung tâm, coi trọng vai trò của ASEAN trong giải quyết tranh chấp. Do đó, nước này thúc đẩy việc đưa ra Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp.
Đứng trên khía cạnh lợi ích quốc gia, các nước cho rằng sự ủng hộ này sẽ có lợi cho họ, các nước muốn Trung Quốc giảm bớt các hành động khiêu khích, cưỡng ép, tuyên bố chủ quyền phi lý. Do đó, họ đồng thanh lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc giải quyết tranh chấp vấn đề Biển Đông một cách hòa bình.
- Các nước, nhất là các nước nhỏ trong khu vực phải hành xử ra sao giữa một bên là Trung Quốc hung hăng nhưng vẫn cần hợp tác phát triển và một bên là nước Mỹ đang thực hiện nhiều việc trùng với mong muốn của mình ở Biển Đông?
Tư duy hiện nay của các quốc gia, là đồng minh của Mỹ hay các nước nhỏ trong khu vực, đều không muốn chiến tranh và rất sợ rơi vào thời kỳ chiến tranh lạnh. Bởi vì Chiến tranh Lạnh từng khiến sự phát triển của thế giới thụt lùi, đặc biệt là về mặt kinh tế hay sự kiềm chế lẫn nhau. Bối cảnh như vậy, sẽ rất khó để các nước phát triển.
Việc chọn bên đối với các quốc gia nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào lợi ích quốc gia. Các đồng minh của Mỹ muốn dựa vào “chiếc ô an ninh” này. Tuy nhiên, sức mạnh của kinh tế rất lớn, cho nên họ phải tìm kiếm các cơ hội kinh doanh đối với Trung Quốc.
Các quốc gia khu vực đang phải đặt vào thế phải lựa chọn về mặt chiến lược.
Hiện nay, sức mạnh Trung Quốc khá lớn, các quốc gia do có lịch sử quan hệ với Mỹ và Trung Quốc khác nhau nên họ có cách hành xử khác nhau. Một số quốc gia là đồng minh thân cận của Mỹ như Philippines, Thái Lan hay đối tác Singapore. Họ ủng hộ Mỹ về mặt an ninh song vẫn tìm cách duy trì cân bằng với Trung Quốc, không muốn phải chọn phe Washington hay Bắc Kinh.
Trong vấn đề Biển Đông, nhiều nước tỏ thái độ vừa ủng hộ các biện pháp của Mỹ, song đồng thời cũng kêu gọi Trung Quốc cần phải giảm căng thẳng, tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế cũng như UNCLOS 1982. Điều đó cho thấy các quốc gia cũng rất e dè trước việc lựa chọn chiến lược như thế nào cho phù hợp.
Trường hợp của Singapore là một ví dụ. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, Singapore rất lo ngại việc phải ứng xử thế nào trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc. Có thời điểm, Mỹ cho Singapore được hưởng quy chế đồng minh chủ chốt của nước này ngoài khối NATO. Tuy nhiên Singapore từ chối do ngại Trung Quốc. Quy chế này tạo điều kiện cho Singapore được mua vũ khí, công nghệ tiên tiến của Mỹ, với giá ưu đãi thông qua các chương trình viện trợ quân sự…
Singapore muốn hợp tác an ninh với Mỹ nhưng không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Singapore muốn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, không bị ảnh hưởng hay can thiệp từ các nước bên ngoài.
- Các nước đang bị cuốn theo cuộc chiến Mỹ - Trung?
Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc. Sự đối đầu giữa hai nước sẽ tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vấn đề Biển Đông chỉ là khía cạnh rất nhỏ trong cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Washington và Bắc Kinh đang tranh giành vị trí lãnh đạo ở khu vực và tiến tới là lãnh đạo thế giới. Hai nước này cạnh tranh với nhau, các nước khác sẽ bị kéo, cuốn vào.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ - Trung đang ở giai đoạn sơ khai của một cuộc chiến tranh lạnh mới khi hai nước tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước về phe mình. Tuy nhiên, hiện nay, các quốc gia không bị cuốn vào vấn đề ý thức hệ như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - vốn từng chia đôi thế giới. Sự tham gia của các nước trong việc chọn bên giờ đây sẽ dựa trên lợi ích quốc gia nhiều hơn.
Cũng có nhiều quốc gia cho rằng việc tăng cường hợp tác với Mỹ có lợi hơn, thì một số nước khác lại nhìn nhận sự can thiệp của Washington vào các vấn đề chính trị thế giới là chủ nghĩa đơn cực. Vì thế, họ không ca ngợi sự lãnh đạo của Washington, cho rằng thế giới phải đa cực, đa phương hóa, và quay sang ủng hộ Trung Quốc.
Ngoài sự lôi kéo phạm vi ảnh hưởng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt chính trị, các nước còn bị cuốn theo các vấn đề kinh tế trong quan hệ giữa hai cường quốc này. Nếu không hợp tác, các quốc gia đều thiệt hại. Trung Quốc có thị trường 1,6 tỷ dân, nguồn nguyên liệu đầu vào khổng lồ. Trong khi Mỹ có công nghệ nguồn của thế giới, chỉ có cái này mới giúp họ phát triển. Do đó, cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng sẽ tác động đến cả môi trường an ninh thế giới.
Rõ ràng, khi có mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, các nước bị phân đôi bởi tư tưởng cân nhắc hợp tác với Washington hay Bắc Kinh.
- Trung Quốc đã làm gì để cả thế giới “ghẻ lạnh” như vậy dù đã đưa ra các chiêu bài ngoại giao kinh tế bao phủ cả thế giới?
Sự phát triển của Trung Quốc mang lại cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia. Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Các quốc gia đang phát triển phụ thuộc rất lớn vào thị trường, nguồn nguyên liệu rẻ của nước này.
Khi kinh tế phát triển, Trung Quốc dùng các khoản viện trợ cũng như các công cụ khác để gây sức ép với các quốc gia láng giềng. Đặc biệt, Bắc Kinh muốn sử dụng chính sách của mình để can thiệp đường lối phát triển của các nước. Mục đích của Trung Quốc là muốn mở rộng ảnh hưởng của mình xuống phía Nam, trước hết là khu vực Biển Đông. Điều này khiến cho nhiều nước quan ngại.
Bên cạnh đó, sự không minh bạch trong ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh - giới chuyên gia Mỹ cho rằng con số thực gấp 3 lần con số 70, 80 tỷ do Trung Quốc công bố - khiến Washington và các quốc gia Đông Nam Á lo ngại. Điều này dấy lên cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á khi các nước tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí để đối phó với các bất ổn có thể xảy ra ở khu vực.
Không chỉ thế, hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông là biểu hiện ngày càng rõ, củng cố cho thuyết “mối đe dọa” của Trung Quốc. Điều này tạo ra sự bất an cho các nước láng giềng. Chính vì vậy, nhìn nhận về mối đe dọa của Trung Quốc trong các nước Đông Nam Á hiện nay thấy nó mạnh hơn rất nhiều, làm sống lại mối đe dọa của Bắc Kinh từ những năm 90 khi nước này thực hiện rất nhiều hành động gây sức ép trong khu vực.
Trong thời gian tới, quan điểm, nhận thức của các nước trong khu vực về “mối đe dọa” của Trung Quốc sẽ không hề giảm. Đặc biệt, việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc năm 2016 sẽ càng thúc đẩy các nước trong việc hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), buộc Trung Quốc phải tham gia vào các quy tặc, luật lệ quốc tế.
- Trung Quốc có đủ khả năng để lôi kéo các nước nhỏ như vẫn làm trước đây? Điều gì giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này? Điều gì khiến Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu này?
Hiện giờ, các nước rất đề phòng Trung Quốc, nhất là các quốc gia Đông Nam Á. Điều này xuất phát từ việc Bắc Kinh “lộ bài”, thể hiện rõ tham vọng muốn trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đã mắc sai lầm chiến lược. Việc Bắc Kinh bộc lộ tham vọng quá sớm khiến Mỹ và nhiều nước nghi ngờ sự “trỗi dậy hòa bình” của nước này. Nếu nước này giấu mình thì sẽ không có các chính sách hạn chế, kiềm chế Bắc Kinh ở khu vực mạnh mẽ như thời gian qua.
Video: Thế giới chỉ trích tham vọng bành trướng ở Biển Đông của Trung Quốc
Trung Quốc vẫn có lợi thế trong việc lôi kéo các nước về phía mình nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế, sau đó sẽ tìm cách gây sức ép về ngoại giao. Tuy nhiên, các nước hiện rất cảnh giác, nhất là trước “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Trên thực tế, các nước đã nhìn ra việc Trung Quốc nói không giống như làm. Các chính sách của Bắc Kinh về đầu tư cũng không thực sự hiệu quả đối với các nước, thậm chí còn gây tàn phá môi trường. Ở Campuchia hay Myanmar đã thấy những mặt trái của vấn đề này. Do đó, Trung Quốc có lôi kéo được các nước cũng không còn dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc Mỹ thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến cho mưu đồ của Bắc Kinh trong việc lôi kéo các nước không còn thuận lợi. Nếu tiếng nói ủng hộ Mỹ mạnh lên, trong khi các nước lên án, phản đối Trung Quốc ngày càng nhiều thì Bắc Kinh còn đối mặt với nguy cơ bị cô lập, “ghẻ lạnh” ở khu vực và trên trường quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!