"Mỹ đã quen với việc chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ dưới chiêu bài an ninh quốc gia", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/4.
"Đây là sự ép buộc kinh tế trắng trợn và thực thi chính sách bắt nạt về công nghệ", ông Uông Văn Bân nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)
Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét chương trình hạn chế một số khoản đầu tư ra nước ngoài của Mỹ liên quan đến công nghệ nhạy cảm về an ninh quốc gia.
Tham vọng của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp do Washington và các đồng minh áp đặt. Trung Quốc đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu chip, chất bán dẫn.
Hôm 20/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tìm cách xoa dịu những lo ngại về các biện pháp mới từ Trung Quốc. Bà nhấn mạnh, các biện pháp này "được thúc đẩy chỉ bởi những lo ngại về an ninh và các giá trị của Mỹ".
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng các kế hoạch này của Washington nhằm ngăn chặn con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc.
“Mục đích thực sự của Mỹ là tước bỏ quyền phát triển của Trung Quốc và bảo vệ quyền bá chủ cũng như lợi ích của chính họ”, ông Uông Văn Bân nhấn mạnh.
Bà Yellen cũng đề cập đến "mối quan hệ đối tác không giới hạn" được tuyên bố trước đó giữa Trung Quốc và Nga, cho rằng điều "cần thiết" là Bắc Kinh kiềm chế cung cấp cho Moskva sự hỗ trợ vật chất cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi về những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người phát ngôn Uông Văn Bân bảo vệ quan điểm của Trung Quốc về cuộc xung đột.
"Trung Quốc và Nga luôn tuân thủ các nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào bên thứ ba, đồng thời đã phát triển mối quan hệ nước lớn, tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi", ông Uông Văn Bân cho hay.