Kính viễn vọng không gian mang tên Earth 2.0 - "Trái Đất phiên bản 2.0" của Trung Quốc dự kiến sẽ được triển khai cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, quay quanh điểm Lagrange 2 của Mặt Trời - Trái Đất. Dự án nhằm tìm kiếm những hành tinh có sự sống và điều kiện giống Trái Đất nhưng nằm bên ngoài Hệ Mặt trời.
“Earth 2.0” bao gồm bảy kính thiên văn hướng về phía trung tâm của thiên hà. Với nhiệm vụ theo dõi các ánh sáng mờ và tìm kiếm dấu hiệu của các hành tinh khi chúng bay ngang qua khoảng không giữa sao mẹ và Trái Đất. Kính viễn vọng sẽ đo kích thước và chu kỳ quỹ đạo của các hành tinh này để tìm kiếm phiên bản “Trái Đất thứ 2” thu hẹp phạm vi săn tìm sự sống.
Dự án Earth 2.0 được kỳ vọng sẽ giúp nhân loại tìm thấy những hành tinh có sự sống và điều kiện giống Trái Đất nhưng nằm bên ngoài Hệ Mặt trời.
Trao đổi với Space.com, giáo sư Ge Jian từ SAO cho biết, những “ứng cử viên” hành tinh này có thể được theo dõi bằng kính thiên văn trên mặt đất để thu được các phép đo vận tốc xuyên tâm từ đó xác định khối lượng và mật độ của chúng. Số khác xoay quanh các ngôi sao sáng có thể được theo dõi thêm bằng phương pháp quang phổ để nghiên cứu thêm về thành phần khí quyển.
Khu vực theo dõi của “Earth 2.0” trùng với khu vực quan sát của kính viễn vọng Kepler của NASA, tuy nhiên Kính viễn vọng Earth 2.0 sẽ có trường nhìn lớn hơn nhiều, giúp quan sát một khu vực rộng hơn và nhiều ngôi sao hơn. Kính viễn vọng Earth 2.0 diện tích 500 độ vuông, rộng hơn 5 lần so với tầm nhìn của Kepler. Trong đó 6 kính thiên văn khẩu độ 30 cm, cùng quan sát 1,2 triệu ngôi sao.
Trong 9 năm qua, Kính viễn vọng Kepler quan sát hơn 500.000 ngôi sao và phát hiện ra 2.392 hành tinh, tuy vậy không có hành tinh nào thích hợp để trở thành “cặp song sinh của Trái Đất”
Giáo sư Ge cho biết, phương pháp chuyển tuyến là một trò chơi thống kê, càng tìm kiếm nhiều ngôi sao giống Mặt trời thì cơ hội chúng ta phát hiện ra Trái đất phiên bản hai càng cao.
"Nếu tỷ lệ xuất hiện của Trái Đất 2.0 là 10%, thì chúng ta cần tìm kiếm khoảng 2.000 ngôi sao tương tự như Mặt trời, sáng và yên tĩnh để theo dõi quá trình di chuyển của Trái Đất 2.0”, giáo sư Ge nói.
Kính viễn vọng thứ 7 sẽ là một kính viễn vọng khuếch đại hấp dẫn có độ nhạy cao để khảo sát những hành tinh lang thang không quay quanh bất kỳ ngôi sao nào và ngoại hành tinh ở xa sao chủ tương tự sao Hải Vương và hành tinh nhỏ như sao Hoả.
Kính viễn vọng Kepler của NASA. (Ảnh: Space)
Sứ mệnh của kính viễn vọng Earth 2.0 giúp tìm thấy các thế giới có kích thước bằng Trái đất trên các quỹ đạo tương tự như hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, bán kính và quỹ đạo của một hành tinh lại không cho biết về điều kiện bề mặt và dấu hiệu sinh sống.
Elizabeth Tasker, phó giáo sư tại Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản nói: “Một hành tinh mới có thể giống với môi trường sinh sống của Sao Kim hoặc Sao Hỏa thậm chí còn xa lạ hơn. Để xác định hành tinh có chỉ số, dấu hiệu sinh tồn giống với Trái Đất hay không, các nhà khoa học sẽ phải thăm dò bầu khí quyển và cả các đặc tính của bề mặt hành tinh đó”.
Đề xuất Earth 2.0 là một phần của chương trình vệ tinh khoa học vũ trụ của Học viện Khoa học Trung Quốc. Dự kiến các thiết kế cuối cùng sẽ được hoàn thiện và được đánh giá bởi một nhóm chuyên gia vào tháng 6. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai và tiến hành phóng tên lửa Trường Chinh vào cuối năm 2026