Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc tiếp tục xây dựng phi pháp 2 trạm nghiên cứu ở quần đảo Trường Sa

(VTC News) -

Trung Quốc ngang nhiên xây dựng phi pháp 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo Tân Hoa xã, 2 cơ sở nghiên cứu này do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, gồm một số phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường giúp hỗ trợ điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.  

Tờ báo Trung Quốc dẫn một nguồn tin cho biết một cơ sở nghiên cứu khoa học tích hợp về rạn san hô và biển sâu được thiết lập tại 2 trạm nghiên cứu mới cùng với 1 trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Tân Hoa xã nói các cơ sở nghiên cứu này được thiết kế để cải thiện khả năng quan sát và thử nghiệm tại chỗ về sinh thái, địa chất, môi trường, vật liệu và sử dụng năng lượng biển trong môi trường biển nhiệt đới. 

Trung Quốc vừa cho xây dựng phi pháp 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Su Bi. (Ảnh: Getty)

Đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn là 3 trong số 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp. Trung Quốc trong những năm gần đây bồi đắp và xây dựng trái phép các bãi đá thành đảo nhân tạo nhằm mở rộng khả năng giám sát các hoạt động của các bên tranh chấp ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái triển khai các thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc tại các đảo Bắc Kinh bồi đắp và xâm lấn trái phép thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo trên Biển Đông này.

Bình luận về bước đi mới của Trung Quốc, chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh cho rằng đây là diễn biến đáng chú ý. 

"Một số người có thể nghĩ rằng đại dịch Covid-19 đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh bớt quan tâm tới các điểm nóng trên biển này. Sự thật là hoàn toàn khác, PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) vẫn sàng tác chiến bất chấp virus", ông Koh nhận định. 

"Sử dụng nỗ lực gắn mác "khoa học dân sự" để khẳng định yêu sách là một trong những phương thức mà họ thường làm và cũng là cách mà chúng ta thường bỏ qua. Thế giới có thể mất tập trung vào những sự phát triển như vậy khi đang ưu tiên cho việc đối phó với virus", ông này cho hay. 

Vị chuyên gia này cũng tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động trên Biển Đông bất chấp dịch bệnh.

Song Hy (Nguồn: Inquirer)

Tin mới