Trong bài báo trên tạp chí Earth Science Frontiers đã được đánh giá ngang hàng trong nước, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói về thiết bị cảm biến nặng 1,4 tấn có thể hoạt động dưới đáy biển và trên bề mặt trong nhiều tuần, phản ứng với tín hiệu từ tàu mẹ.
“Các cảm biến sẽ thu thập lượng lớn dữ liệu quan sát tại chỗ - vô cùng cần thiết để tiết lộ thêm về cơ chế của các sóng nội dưới đáy biển", Giáo sư Jia Yonggang và các đồng nghiệp thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc nói.
Thiết bị cảm biến được triển khai ở Biển Đông để thu thập dữ liệu sóng ngầm. (Ảnh: Earth Science Frontiers)
Các dòng chảy dưới nước, hay sóng nội ở Biển Đông, được tạo ra khi nước có mật độ khác nhau đi qua các chướng ngại vật dưới đáy đại dương, tạo ra sự nhiễu động. Một số sóng có thể kéo dài hơn 100km và có khả năng nhanh chóng kéo tàu ngầm xuống độ sâu phá hủy, theo nhiều nghiên cứu khác nhau.
Trung Quốc đã xây dựng một trong những mạng lưới giám sát đại dương lớn nhất thế giới ở Biển Đông.
Trong bài báo, các nhà nghiên cứu cho biết đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm thực địa với thiết bị mới ở Biển Đông vào năm 2020, ở độ sâu khoảng 600 mét và 1.400 mét.
Thành phần chính của thiết bị là một bộ định dạng dòng chảy âm Doppler do Teledyne RD Instruments, công ty của Mỹ sản xuất. Công ty này cũng cung cấp phần cứng tương tự cho hải quân Mỹ.
Teledyne Benthos, một nhà thầu quốc phòng khác của Mỹ, cung cấp phao thủy tinh, theo tờ báo. Các thành phần khác có nguồn gốc từ Đức, Na Uy và Canada.
Sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc duy nhất được chú ý là máy ảnh dưới nước, lắp ráp tại một phòng thí nghiệm ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.