Tàu vũ trụ thử nghiệm có khả năng tái sử dụng của Trung Quốc hôm 6/9 đã hạ cánh an toàn sau khi bay quanh Trái Đất 2 ngày.
“Thành công này cho thấy Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá quan trọng trong việc nghiên cứu các công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ. Công nghệ này có thể giúp việc bay lên vũ trụ thuận tiện và tiết kiệm hơn trong tương lai”, tờ Tân Hoa Xã viết.
Một tên lửa Trung Quốc phóng từ trung tâm Jiuquan trên sa mạc Gobi, năm 2016. (Ảnh: AFP)
Hiện chưa có thông tin chi tiết về con tàu vũ trụ này, nhưng một nguồn tin quân sự tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng "có thể tham khảo máy bay X-37B của Mỹ".
X-37B là một loại máy bay không gian không người lái tương tự như tàu con thoi Nasa phiên bản thu nhỏ.
“Có rất nhiều điểm mới trong lần phóng tàu này", nguồn tin quân sự cho biết, “Tàu vũ trụ mới, phương thức phóng cũng khác. Đó là lý do chúng tôi cần củng cố an ninh".
Tàu vũ trụ của Trung Quốc đã được phóng bằng tên lửa Long March-2F từ trung tâm vệ tinh Jiuquan ở Nội Mông vào hôm thứ Sáu.
Trung Quốc vốn có tham vọng lớn với việc chinh phục vũ trụ. Năm 2019, nước này đã đưa người lên mặt trăng và ghé thăm sao Hỏa lần đầu tiên vào tháng 7. Không chỉ vậy, đầu năm nay, Trung Quốc cũng hoàn thành mạng lưới vệ tinh cho Mạng định vị BeiDou, một đối thủ cạnh tranh với hệ thống GPS của Hoa Kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị Khám phá Không gian Toàn cầu 2017, ông Liu Shiquan, Phó tổng Giám đốc tập đoàn Khoa học & Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, cho biết công ty ông sẽ tập trung phát triển thế hệ tàu vũ trụ mới có thể cất cánh hoặc hạ cánh theo chiều ngang và có thể tái sử dụng.
Tháng 5/2020, Trung Quốc vinh danh một nhóm nghiên cứu vì thành tích phát triển “động cơ vũ trụ làm mát siêu âm” có thể cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ tái sử dụng.