Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc thu hoạch lúa mì ngay trên sa mạc

(VTC News) -

Trung Quốc có diện tích đất sa mạc hóa lớn nhất thế giới nhưng đã thành công trong việc trồng và thu hoạch lúa mì trên sa mạc, thậm chí là với năng suất cao.

SCMP đưa tin, Trung Quốc đã trồng thành công lúa mì ở sa mạc lớn nhất nước này trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực cho hàng tỷ dân.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đợt thu hoạch đầu tiên của vụ lúa mì rộng 400 ha đang được thực hiện ở rìa phía tây nam sa mạc Taklimakan, khu tự trị Tân Cương.

Trung Quốc vốn có diện tích đất sa mạc lớn nhất thế giới. Theo số liệu công bố, gần 300 triệu ha đất bị sa mạc hóa do nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của hơn 400 triệu người.

Wang Jianjun, Phó giám đốc Công ty Phát triển Nông nghiệp Xanh Tân Cương Wuzheng, cho biết năng suất thu hoạch của dự án vượt quá mong đợi.

Trả lời truyền thông Trung Quốc, vị này cho hay: “Mẻ lúa mì này đáp ứng tiêu chuẩn cho lúa mì hạng nhất về đo lường năng suất lúa mì”. Ông cho biết công ty sẽ đặt mục tiêu đạt sản lượng cao hơn bằng cách cải tiến công nghệ trồng trọt.

Trung Quốc thu hoạch thành công lúa mì ở vùng sa mạc khô cằn. (Ảnh minh họa: Weibo)

Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực trong những năm gần đây trong bối cảnh thị trường toàn cầu đầy biến động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nguồn lương thực và những phức tạp về địa chính trị.

Vụ lúa mì mùa đông được trồng vào tháng 10 tại quận Makit ở rìa phía tây nam sa mạc nói trên. Makit là điển hình của khí hậu sa mạc, với lượng mưa trung bình hàng năm là 42,3mm và lượng bốc hơi trung bình 2.349mm một năm, theo thống kê của Cục thời tiết Tân Cương năm 2021.

Ông Wang cho biết: “Sau khi vượt qua mùa đông, chống chọi với bão cát và hạn hán, những cây giống lúa mì đã sống sót thành công”. Để trồng lúa mì trong điều kiện khắc nghiệt, công ty của ông Wang đã phát triển một phương pháp canh tác, quản lý nước và phân bón đặc biệt chuyên để trồng trên sa mạc.

Ông Wang và nhóm của ông tăng cường ứng dụng chất hữu cơ và chất điều hòa đất, đồng thời áp dụng công nghệ “bón tưới” – sử dụng tưới tiêu để cung cấp phân bón trực tiếp cho rễ. Phương pháp này cải thiện độ chính xác và hiệu quả của nước và phân bón.

Theo Phó giám đốc Wang, hoạt động bón tưới được tính thời gian và định lượng thông qua một ứng dụng di động để tiết kiệm cả hai nguồn tài nguyên.

Han Yong, Phó giám đốc Cục Nông nghiệp và Nông thôn quận Makit, cho biết nhóm dự kiến ​​sẽ mở rộng diện tích trồng lúa mì sa mạc lên hơn 3.300 ha trong vòng 5 năm.

Lúa nương được trồng tại một sa mạc ở Karamay, Tân Cương. (Ảnh: Hoàn Cầu)

Tân Cương còn là nơi chiếm 1/3 diện tích đất nhiễm mặn của Trung Quốc và cũng đang nỗ lực tăng cường sản xuất nông nghiệp.

Vào năm 2023, sản lượng ngũ cốc hàng năm của khu vực này đạt mức cao kỷ lục 21,2 triệu tấn, đứng thứ hai trên toàn quốc. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, năm nay Tân Cương đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng ngũ cốc hàng năm ít nhất là 22 triệu tấn.

Theo Tân Hoa Xã, diện tích trồng ngũ cốc của khu vực này vào năm 2023 đạt 2,8 triệu ha.

Lúa mì không phải là cây trồng đầu tiên được trồng ở vùng đất sa mạc Tân Cương. Năm 2018, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hoạch thành công hơn 470 ha lúa nương chịu hạn trong khu vực. Giống lúa trước đó đã phát triển ở sa mạc Gobi.

Theo Tân Cương Nhật báo, giống lúa nương này phù hợp với môi trường khô cằn của Tân Cương hơn so với giống lúa chưa biến đổi gen.

Thạch Anh (Nguồn: SCMP)

Tin mới