Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, sự kiện này được ca ngợi là một bước phát triển then chốt cho hệ thống kinh tế toàn cầu và là một dấu ấn đậm nét cho cam kết cải cách của nước này.
Phải mất 15 năm đàm phán dài để thỏa thuận được hình thành, phản ánh thách thức trong việc dung hòa nền kinh tế Trung Quốc với các quy tắc thương mại toàn cầu và sự kiên quyết của cộng đồng quốc tế với việc Bắc Kinh phải ký vào các cam kết và điều kiện đầy tham vọng. Các quan chức Mỹ mong chờ những điều khoản gia nhập sẽ đưa Trung Quốc vào con đường tự do hóa thị trường và hòa nhập vào trật tự kinh tế toàn cầu.
Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã tiến hành đánh giá hơn 21.000 tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước, bãi bỏ khoảng 1.400 trong số đó và sửa đổi hơn 9.000 tiêu chuẩn khác để đưa hệ thống tiêu chuẩn của quốc gia này phù hợp với các quy định của WTO.
(Ảnh minh họa)
Những kết quả tích cực
Đến từ các trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc, ba doanh nhân chứng kiến sự phát triển của nền kinh tế này kể từ khi trở thành thành viên WTO vào năm 2001.
Đối với họ, chặng đường 20 năm từ đó đến nay đã đem lại nhiều thành quả.
“Lần đầu tiên tôi đến Thâm Quyến để thành lập nhà máy sản xuất đồ chơi vào năm 1993, tôi cảm thấy nơi này rất lạc hậu", theo Chai Kwong-wah, 72 tuổi, doanh nhân Hong Kong.
“Vào thời điểm đó, tôi đã trả khoảng 1 triệu nhân dân tệ để sử dụng hơn 5.000m2 đất trong 30 năm. Các quan chức địa phương nhiệt liệt chào đón và khuyến khích tôi ký hợp đồng 50 năm, nhưng tôi chỉ chọn hợp đồng 30 năm. Bây giờ Trung Quốc đã phát triển hơn nhiều so với những gì tôi mong đợi".
Lượng sản phẩm tại nhà máy đồ chơi của Chai - nơi sản xuất đồ Hello Kitty cho Nhật Bản, búp bê Disney và thú nhồi bông cho Mỹ và Châu Âu - đã tăng nhanh sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, khi lao động và nguyên liệu thô rẻ, ổn định. Ông cho biết, vào thời kỳ đỉnh cao, nhà máy sử dụng tới 10.000 công nhân.
Hàng triệu nhà sản xuất, dù thuộc sở hữu tư nhân, do chính phủ kiểm soát hay nước ngoài tài trợ, mọc lên như nấm ở các tỉnh ven biển của Trung Quốc, cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ cho các hộ gia đình trên khắp thế giới và biến nước này từ một vùng nông nghiệp trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu sau khi gia nhập WTO. (Ảnh minh họa: Getty)
Trong khi đó, doanh nhân Liu Kaiming, chuyên gia chuỗi cung ứng tại Thâm Quyến, cho rằng: “Chắc chắn, Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ WTO. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã thiết lập được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh nhất trên thế giới bằng cách sử dụng tiền kiếm được từ hoạt động ngoại thương - nền tảng và động lực của nền kinh tế”.
Đối với Li Yixin, nhà đầu tư độc lập 40 tuổi tại Thượng Hải, chất lượng hàng hóa từ Trung Quốc đã được cải thiện.
“Trên thực tế, từ năm 1978 đến năm 2000, hầu hết người dân Trung Quốc bình thường không có cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài", Li giải thích. “Sau khi gia nhập WTO, một số lượng lớn người Trung Quốc quan tâm đến các hoạt động trao đổi và buôn bán quốc tế. Kết quả là, các công ty và nhân tài của Trung Quốc ngày càng trở nên trưởng thành hơn trong hiểu biết về thị trường và các giao dịch thương mại. Đây là điều mà người Trung Quốc đã học được trong những năm kể từ khi gia nhập WTO”.
Chai thừa nhận rằng ông là người được hưởng lợi từ việc Trung Quốc gia nhập WTO và ông cảm thấy chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đã được cải thiện rất nhiều kể từ năm 2001, trong khi các ngành sản xuất chuyển đổi và phát triển.
Chai nói: “Giới trẻ Trung Quốc thích dùng điện thoại di động trong nước và các loại xe năng lượng mới, không còn thua kém các thương hiệu nước ngoài. Về phần tôi, giờ đây tôi thường mặc những chiếc áo sơ mi cao cấp của một thương hiệu Trung Quốc - chúng rẻ hơn nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế, nhưng chất lượng và kiểu dáng đẹp hơn".
(Ảnh minh họa)
Tương lai còn nhiều dấu hỏi
Trở thành thành viên WTO chắc chắn đã mang lại những kết quả tích cực cho Trung Quốc. Tuy nhiên xu hướng này dường như đang chậm lại và đứng trước các thách thức.
Chai theo dõi từ khi Thâm Quyến còn là một vùng đất nông nghiệp hẻo lánh, rồi trở thành "công xưởng" sản xuất tại Trung Quốc và thế giới. Vào năm 2015, khi chính quyền địa phương tham vọng biến thành phố thành một trung tâm công nghệ toàn cầu, Chai được trả 20 triệu nhân dân tệ để chấm dứt hợp đồng thuê đất, cho một tàu điện ngầm được xây dựng.
Khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, Chai phải chuyển hoạt động nhà máy của mình ra nước ngoài vào năm 2016, theo yêu cầu của khách hàng Nhật Bản. Ông nói, chi phí cho công nhân đã vượt qua 5.000 nhân dân tệ (785 USD) một tháng - tăng so với mức 200 nhân dân tệ vào những năm 1990.
“Hồi đó, tôi dễ dàng kiếm được lợi nhuận tốt khi tôi từ một nơi tiên tiến đến một nơi lạc hậu để đầu tư”, Chai nói. “Nhưng bây giờ những lợi thế như vậy không còn rõ ràng. Chi phí cho các nguồn lực tăng cao cũng đã dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận”.
Vấn đề các doanh nghiệp phải di dời dây chuyền sản xuất do chi phí gia tăng đã nằm trong chương trình nghị sự, khi các quan chức và học giả Trung Quốc nhóm họp để nhìn lại hai thập kỷ phát triển kinh tế kể từ khi nước này gia nhập WTO. Cùng với đó, vấn đề mất việc làm và ổn định xã hội cũng được nhắc đến.
Theo Long Guoqiang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của hội đồng nhà nước Trung Quốc, nước này phải đối mặt với hai thách thức thương mại nghiêm trọng, bao gồm sự cạnh tranh từ các nước đang phát triển có chi phí sản xuất thấp hơn; và cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến về vốn và sản phẩm công nghệ cao.
(Ảnh: China Daily)
Các cố vấn Bắc Kinh bày tỏ lo ngại khi môi trường bên ngoài đang xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là quan hệ của Trung Quốc với các nước phương Tây.
Và theo Chai, hiện nay các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc khó hơn nhiều.
Chai ủng hộ những thay đổi chính sách gần đây của Bắc Kinh. “Việc mở rộng quy mô của nhóm thu nhập trung bình hiện nay là rất quan trọng… Đây cũng là thời điểm quan trọng để chuyển sang thị trường trong nước - điều đó quan trọng hơn việc mở rộng xuất khẩu”.
Doanh nhân Li ở Thượng Hải cho rằng triển vọng kinh doanh bên ngoài Trung Quốc hiện có mức độ không chắc chắn cao, đặc biệt là trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài và sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty nước ngoài.
“Là một nhà đầu tư cá nhân, đó thực sự là một tình huống khó nắm bắt,” Li nói.
Trong tương lai, Liu dự đoán xuất khẩu sẽ vẫn là động lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả khi các nhà chức trách đã đưa ra các chính sách để tăng tiêu dùng nội địa.
“Xuất khẩu cũng sẽ là biến số lớn nhất trong vài năm tới”, doanh nhân này bình luận.
Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.
Nhìn chung, Trung Quốc đã hoàn thành phần lớn các điều khoản khi gia nhập WTO trong vòng một vài năm. Thuế suất đối với hàng nhập khẩu nước ngoài được cắt giảm và nhiều rào cản phi thuế quan được loại bỏ. Việc tham gia vào hoạt động ngoại thương, trước đây bị hạn chế đối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài nằm trong các đặc khu kinh tế, đã được mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cải thiện đáng kể các biện pháp bảo vệ pháp lý và giảm bớt gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kỳ vọng về việc gia nhập WTO sẽ thắt chặt hơn một Trung Quốc đang phát triển vào trật tự kinh tế toàn cầu dường như đã đi sang hướng khác. Nhiều ý kiến cho rằng mô hình kinh tế của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO không chuyển sang chủ nghĩa tự do thị trường, mà thay vào đó, một hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước được củng cố.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng đảm bảo với phần còn lại của thế giới rằng họ sẽ mở cửa thị trường rộng lớn hơn và tuân theo các quy tắc quốc tế, với việc xin gia nhập Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thỏa thuận đối tác kinh tế kỹ thuật số (DEPA).
“Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ vững chắc hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm trung tâm và bảo vệ vai trò của WTO trong việc hoạch định luật lệ quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết.