Trả lời câu hỏi của Beijing Daily về việc truyền thông Đức chỉ trích chính sách ngoại giao hung hăng của Trung Quốc, bà Hoa cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc không tích cực gây hấn và nước này sẽ tự bảo vệ mình khi bị chỉ trích.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, tờ Der Tagesspiegel của Đức đăng một bài báo có tiêu đề “Những Chiến lang từ Bắc Kinh: Các nhà ngoại giao của Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn”, trong đó đề cập đến việc Đại sứ Trung Quốc ở Berlin chỉ trích một sự kiện thảo luận về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc do ủy ban nhân quyền của Quốc hội Đức tổ chức.
Đối với những người cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến thuật ngoại giao "chiến lang", bà nói: “Tôi tự hỏi liệu họ đã xem phim hoạt hình Vua Sư tử của Disney chưa? Họ sẽ đánh giá con sư tử nhỏ dễ thương đó thế nào, khi nó, dù dưới đủ loại nghi ngờ, chỉ trích và tấn công, đã lớn lên và trưởng thành thành Simba”.
Bà nói tiếp: “Chúng ta có thực sự mong đợi rằng khi mọi người tấn công Trung Quốc một cách tàn nhẫn và vô căn cứ bằng lời nói và những cách ví von như sói và hổ, thì Trung Quốc chỉ có thể hành động một con cừu non im lặng? Bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế, thì trở thành một chiến binh sói (chiến lang) có gì sai?"
Thuật ngữ "Chiến lang" xuất phát từ một bộ phim cùng tên của Trung Quốc mô tả lực lượng đặc biệt Trung Quốc chiến đấu với lính đánh thuê nước ngoài ở châu Phi.
Đồng nghiệp của bà Hoa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, được xem là "cờ đầu" cho lứa các nhà ngoại giao hiếu chiến mới. Ông đã khiến Australia tức giận khi đăng hình ảnh giả về một binh sĩ Australia kề dao vào cổ một đứa trẻ ở Afghanistan - ám chỉ báo cáo về việc lực lượng đặc biệt của Australia đã phạm tội ác chiến tranh.