Dự án này nằm ở vùng bờ biển Đông Bắc Trung Quốc, siêu đô thị “Kinh - Tân - Ký” (tức Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc) được xác định sẽ là trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế của quốc gia đông dân nhất hành tinh trong thế kỷ 21.
Mở đường
Nền móng đầu tiên cho đại công trình này là Chính phủ Trung Quốc hồi tháng 11/2016 thông qua kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt trị giá 247 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 36 tỷ USD) kết nối thủ đô Bắc Kinh, thành phố cảng Thiên Tân và tỉnh phụ cận Hà Bắc.
Theo NBC News, các lao động đang sống ở ngoại ô Bắc Kinh, những người hàng ngày phải di chuyển từ 5-6 giờ vào nội thành sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống giao thông kéo dài hơn 1.100 km dự kiến sẽ được hoàn thành trong 3 năm tới.
Về lâu dài, 24 tuyến đường sắt liên tỉnh dự kiến được hoàn thành vào năm 2050. Trong đó, 8 tuyến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020, giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân trong khu vực.
Hiện nay, Trung Quốc có gần 22.000 km đường sắt, đứng đầu thế giới và đang có kế hoạch xây dựng thêm 16.000 km nữa.
“Sự thay đổi lớn nhất nằm ở hệ thống giao thông vận tải. Trước đây chúng ta phải mất gần một ngày để di chuyển từ Hà Bắc đến Bắc Kinh, nhưng bây giờ thời gian đó sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn vài giờ”, Zhang Zhongmin, giáo sư về nhân văn và là nhà vận động môi trường tại Thạch Gia Trang nhận định.
Với mạng lưới giao thông vận tải mới cùng các tòa tháp chọc trời và các căn hộ cao cấp đáp ứng nhu cầu của khoảng 130 triệu người đang sinh sống ở Bắc Kinh, thành phố cảng Thiên Tân và 11 đô thị thuộc tỉnh Hà Bắc, “Kinh - Tân - Ký” dự kiến sẽ ngốn của Trung Quốc tới hàng tỷ USD.
Một phần đặc biệt được lưu tâm trong dự án này là kế hoạch khôi phục Thiên Tân như một cơ sở sản xuất tiên tiến và vận chuyển quốc tế. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị của Trung Quốc và Hà Bắc sẽ chuyển hướng sang sản xuất sạch và bán sỉ.
Siêu đô thị
Việc kết nối giữa các vùng theo đó cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn, đồng thời các loại phí chuyển vùng, phí đường dài sẽ dần được loại bỏ.
“Lợi thế lớn nhất của “Kinh - Tân - Ký” là có thể tạo ra môi trường tốt hơn, gắn kết hơn trong một khu vực rộng lớn hơn”, Zhang Chao, quan chức tại khu thương mại tự do Thiên Tân chia sẻ.
Ông Zhang cũng khoe, một khu cảng container quốc tế mới sẽ kết nối Thiên Tân đến Minsk của Belarus, cách hơn 6.000 km.
Trong khi đó anh Guo Yi, phóng viên báo Thiên Tân cho rằng, đại công trình sau khi hoàn thành sẽ làm giảm bớt gánh nặng về nhà đất đối với các chuyên gia trẻ trong và xung quanh Bắc Kinh.
"Bằng cách phát triển Thiên Tân, chúng tôi có thể phân phối lại tài năng. Giáo dục và nhà ở tại đây sẽ rẻ hơn một nửa so với thủ đô Bắc Kinh", Guo nói.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà quy hoạch hy vọng rằng dự án này sẽ giúp nâng cao tay nghề cũng như trình độ cho nguồn nhân lực ở Hà Bắc.
Thành phố này trước nay vẫn tụt hậu so với Bắc Kinh và Thiên Tân nếu so về mức thu nhập bình quân đầu người, chỉ bằng 40% so với 2 thành phố nói trên.
Sau khi hoàn thành mạng lưới đường sắt mới, người dân ở khu vực Chongli của tỉnh Hà Bắc, nơi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022 có thể đến Bắc Kinh chỉ trong 50 phút.
Hiện nay, thời gian để đi lại giữa 2 khu vực này là khoảng 4-5 tiếng nếu di chuyển bằng ô tô.
Ngoài ra, Hà Bắc là khu vực công nghiệp hóa và ô nhiễm nặng nề bậc nhất ở Trung Quốc, nguồn gây khói bụi chính cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây cũng là nơi có nguồn gió mạnh và ánh sáng mặt trời cường độ cao, đủ điều kiện sản xuất năng lượng sạch.
Theo báo cáo chiến lược chi tiết được công bố hôm 22/3, siêu đô thị này sẽ là một trong 3 dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy kinh tế Trung Quốc trong vòng 100 năm tới cùng với dự án phát triển Khu kinh tế châu thổ sông Dương Tử và chiến lược "Một vành đai, một con đường" vốn được đưa ra nhằm thúc đẩy liên kết thương mại giữa Trung Quốc với châu Á, châu Âu, châu Phi.
Paulson Institute, chuyên gia đến từ Mỹ cho rằng: "Mọi con mắt đang đổ dồn về “Kinh - Tân - Ký” như một khu vực thử nghiệm cho các giải pháp sáng tạo".
Mặc dù được xem như động lực cho sự đổi mới và tăng trưởng ở Trung Quốc, giới quan sát vẫn cho rằng, “Kinh - Tân - Ký” có thể sẽ trở thành mô hình tăng trưởng bền vững mà phần còn lại của Trung Quốc và thậm chí là nhiều nước trên thế giới nên học tập.