Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc sắp điều tàu nghiên cứu lớn nhất đến Hoàng Sa, Việt Nam lên tiếng

(VTC News) -

Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền, bất hợp pháp và vô giá trị.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị yêu cầu bình luận về thông tin Trung Quốc điều tàu nghiên cứu "Đại học Tôn Trung Sơn" tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.

Bà Hằng khẳng định mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, bất hợp pháp và vô giá trị. 

Tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trước đó, tờ SCMP đưa tin tàu nghiên cứu mới nhất và lớn nhất của nước này sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào tháng 10 để nghiên cứu khí tượng. 

Con tàu được đóng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam Thượng Hải và được bàn giao cho các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Con tàu đã được đặt tên theo trường đại học này trong một buổi lễ tổ chức ở Thượng Hải hồi tháng 6.

Theo trang China Ship News, tàu nghiên cứu Đại học Tôn Trung Sơn được coi là "phòng thí nghiệm di động cỡ lớn trên biển", với chiều dài 113 m, rộng 19,4 m và lượng giãn nước 6.880 tấn.

Trên boong tàu, 760m2 mặt sàn được dành cho các phòng thí nghiệm cố định và hơn 610 m2 dành cho 10 phòng thí nghiệm di động kiểu container, cho phép các nhà nghiên cứu thu thập mẫu trên biển và phân tích chúng ngay trên tàu trước khi chuyển dữ liệu về đất liền.

Tàu có một sàn đáp trực thăng để vận chuyển người và thiết bị cũng như cho phép các máy bay không người lái (UAV) cất cánh để mở rộng phạm vi quan sát khoa học trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển. Nhà chức trách dự kiến cho lắp đặt thêm một radar thời tiết dạng mảng trên tàu vào năm tới.

Trong cuộc phỏng vấn với China Ship News, Giáo sư Yu Weidong thuộc Khoa Khí quyển học, Đại học Tôn Trung Sơn cho biết con tàu sẽ tới khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 10, để nghiên cứu "hơi ẩm ở vùng ranh giới phía tây Biển Đông cũng như các vùng biển lân cận" nhằm hỗ trợ phòng chống thiên tai trong tương lai.

Song Hy

Tin mới