Theo The National Interest, thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc bắt đầu thảo luận về những khái niệm công nghệ mới giúp họ chế tạo chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 6. Trong đó trí thông minh nhân tạo (AI) được xem là yếu tố then chốt để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này trong thời gian tới.
Bình luận về vấn đề trên Kris Osborn - cây bút của National Interest nhận định Trung Quốc đang cố gắng “học hỏi” các nhà phát triển vũ khí của Mỹ trong việc phát triển tiêm kích tàng hình, không đơn chỉ thuần trong công nghệ hàng không mà còn còn cả chiến thuật, chiến lược sử dụng loại vũ khí này trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Cũng cần phải nói thêm rằng việc sử dụng công nghệ AI để chế tạo tiêm kích tàng hình trước đó đã được Mỹ áp dụng cho chương trình phát triển F-35.
Cũng theo Osborn, tư duy của Trung Quốc dường như phản ánh sự liên kết giữa chương trình phát triển tiêm kích tàng hình mới của nước này với các giải pháp từng được Mỹ sử dụng để chế tạo và cải tiến F-22 và F-35.
Với công nghệ mới, tiêm kích tàng hình của Trung Quốc sẽ trở nên nguy hiểm và thông minh hơn. (Ảnh: RT)
Ngoài ra, các khái niệm mới về máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 của Trung Quốc có sự tương đồng nhất định với cách tiếp cận mà Mỹ đang thực hiện đối với một số chương trình phát triển chiến đấu cơ tương lai trong vài năm trở lại gần đây.
Thuật ngữ được các nhà phát triển vũ khí Trung Quốc sử dụng để mô tả khái niệm này là: “Thông tin”, “Cảm biến” và “Quyết định”. Dĩ nhiên các bước này đều có sự tham gia của AI.
Từ khái niệm này, Osborn cho rằng Trung Quốc đang cố gắng sao chép “vòng lặp OODA” - một quy trình phán đoán và ra quyết định được áp dụng chủ yếu trong hoạt động tác chiến, thường là ở cấp độ chiến dịch đang được quân đội Mỹ sử dụng.
Vòng lặp OODA là một quy trình tác chiến được Đại tá John Boyd thuộc Không quân Mỹ xây dựng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Về cơ bản OODA là viết tắt của “Quan sát”, “Định hướng”, “Quyết định” và “Hành động”, nhằm tạo ra một chu trình hoặc vòng lặp đảm bảo ưu thế phi công trong không chiến.
Nếu một phi công có thể hoàn thành vòng lặp hoặc ra quyết định trước khi kẻ thù hành động, thì khả năng chiến thắng của anh ta trong một cuộc không chiến sẽ lớn hơn rất nhiều.
Phía Trung Quốc cũng không che giấu việc họ cố gắng học hỏi và sử dụng vòng lặp OODA trong huấn luyện mô phỏng cho phi công chiến đấu với các hệ thống giả lập sở hữu trí thông minh nhân tạo.
Thậm chí, các tập đoàn hàng không của Trung Quốc còn đặt tên cho khái nhiệm này là “OODA 3.0”, với mục tiêu hướng tới việc xây dựng quy trình không chiến và hỗ trợ phi công tiêm kích tàng hình ra quyết định trên công nghệ AI.
"Thông tin giờ đây đã trở thành yếu tố quyết định, khi các máy bay chiến đấu hiện đại tập trung vào việc thu thập thêm thông tin với sự trợ giúp của radar quét mảng pha điện tử chủ động (ASEA) và chuỗi dữ liệu, đồng thời giảm khả năng thu thập thông tin của đối thủ, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ tàng hình và các biện pháp đối phó điện tử", tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói về công nghệ chế tạo tiêm kích tàng hình tương lai do nước này phát triển.
Công nghệ AI được xem là yếu tố then chốt giúp Mỹ và cả Trung Quốc chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Nói rộng ra, truyền thông Trung Quốc cho rằng các nhà phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đang đi đúng hướng khi sử dụng công nghệ AI trong các mô phỏng không chiến đánh giá tốc độ ra quyết định. Họ trích dẫn cách các nhà khoa học Trung Quốc thiết kế một hệ thống giả lập có thể tự ra quyết định trong diễn tập dựa trên AI và nó có thể đánh bại các phi công con người trong vài trường hợp.
Đây cũng là điều Mỹ từng làm trong quá trình phát triển F-35.
Tựu chung lại, Osborn nhận định những nỗ lực của Trung Quốc nhằm sao chép, tái tạo hoặc thậm chí ăn cắp các công nghệ, khái niệm thiết kế và chiến lược quân sự của Mỹ vốn không còn là chuyện lạ. Chuyện ở Bắc Kinh có được các công nghệ chế tạo tiêm kích tàng hình từ Mỹ chỉ là vấn đề thời gian.