Hôm 25/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng dự thảo chung về chính sách, an ninh giữa Trung Quốc và ít nhất 10 quốc đảo Thái Bình Dương có thể “làm gia tăng lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng bộ máy an ninh sang Thái Bình Dương”.
“Chúng tôi lo ngại rằng thỏa thuận này có thể được đàm phán với quá trình gấp rút, không minh bạch. Đồng thời, chúng tôi tôn trọng quyết định của các quốc gia trong khu vực trong việc bảo vệ chủ quyền vì lợi ích tốt nhất của người dân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.
Hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và quốc đảo Solomon dấy lên nhiều lo ngại đối với Mỹ và Australia.
Quan chức Mỹ tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh đi theo “mô hình cung cấp các giao dịch mập mờ và thiếu minh bạch” cho các quốc đảo Thái Bình Dương.
“Những thỏa thuận an ninh gần đây đã được đưa ra mà không có sự tham vấn đầy đủ của các bên trong khu vực, gây ra mối quan tâm của công chúng không chỉ ở Mỹ mà trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Ned Price nói, ám chỉ các thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon đã được công bố vào tháng trước.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đây "có thể là động thái cho thấy phản ứng của Trung Quốc đối với sự gắn bó, cam kết lâu nay của Mỹ đối với khu vực".
Ông Ned Price cũng nói rằng, dấu chân ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương là một chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh nhóm "Bộ Tứ" - QUAD (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) ở Tokyo vừa qua.
Phản ứng của Mỹ được đưa ra sau khi có những tin tức rò rỉ về kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc với 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương. Tài liệu dự thảo thỏa thuận của Bắc Kinh với các quốc đảo này có tên “Tầm nhìn phát triển toàn diện” của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Ngoài hàng triệu USD viện trợ, các đề xuất được cho sẽ giúp các quốc gia Thái Bình Dương dễ dàng tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Một điểm đáng quan tâm ở kế hoạch này là việc tăng cường hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, ví dụ như hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh địa phương.
Ngoại trưởng Vương Nghị nhiều khả năng sẽ đề cập dự thảo này tại quốc đảo Thái Bình Dương mà ông này sẽ đến thăm, gồm Fiji, Papua New Guinea và các điểm đến nằm ngoài lịch trình như Vanuatu, Samoa, Tonga và Kiribati.
Một số đề xuất của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương có thể được đưa ra thảo luận trong hội nghị lần thứ hai giữa Trung Quốc với các ngoại trưởng đảo quốc Thái Bình Dương tại Fiji vào cuối tháng này.