Theo nguồn tin của tờ Financial Times, tên lửa đã bắn chệch mục tiêu hơn 32 km. Vụ phóng thử sử dụng tên lửa Long March. Các chi tiết khác về quá trình thử nghiệm vẫn được giữ kín.
Báo cáo của Financial Times đăng tải ngày 16/10 cho biết thêm, các tiến bộ của Trung Quốc về vũ khí siêu thanh "khiến tình báo Mỹ ngạc nhiên".
Trung Quốc thử nghiệm tên lửa hạt nhân siêu thanh trên không gian. (Ảnh: AP)
Tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và cũng có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân giống như tên lửa đạn đạo truyền thống. Chúng khác nhau ở chỗ, tên lửa đạn đạo được phóng vào không gian theo hình vòng cung trước khi rơi xuống mục tiêu, còn tên lửa siêu thanh sẽ bay ở quỹ đạo thấp trong tầng khí quyển và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.
Một ưu điểm quan trọng khác của tên lửa siêu thanh là khả năng cơ động cao, khó theo dõi và khó phòng thủ hơn.
Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Trung Quốc đang tích cực phát triển vũ khí siêu thanh. Đây được coi là yếu tố quan trọng để đối đầu với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ siêu thanh và các công nghệ khác.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác cũng đang nghiên cứu công nghệ siêu thanh.
Trong khi Mỹ đã phát triển thành công các hệ thống phòng thủ nhằm chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, thì khả năng theo dõi và hạ gục một tên lửa siêu thanh vẫn đang được nghiên cứu thêm.
Vụ thử tên lửa hồi tháng 8 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.