Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc nói Mỹ 'bắt nạt' vụ cấm TikTok

(VTC News) -

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bình luận về việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu dự luật mới, qua đó buộc chủ sở hữu TikTok phải bán ứng dụng nếu không sẽ bị cấm.

Hạ viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu về luật buộc chủ sở hữu của TikTok - công ty Trung Quốc ByteDance, phải bán ứng dụng cho một công ty Mỹ, nếu không TikTok sẽ bị cấm ở Mỹ.

TikTok đang có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ. 

Bình luận về điều này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cáo buộc Mỹ “có hành vi bắt nạt” khi không thể cạnh tranh công bằng, đồng thời cho rằng hành vi của Mỹ sẽ làm gián đoạn hoạt động thị trường, suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu.

“Điều này cuối cùng sẽ phản tác dụng đối với Mỹ", ông nói và khẳng định, Mỹ chưa bao giờ ngừng gây sức ép cho ứng dụng này.

Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu bày tỏ lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể khiến công ty mẹ của TikTok - ByteDance - bàn giao dữ liệu thu thập từ người dùng Mỹ cho Trung Quốc. Họ cũng lo ngại rằng ứng dụng này có thể trở thành công cụ để Bắc Kinh tuyên truyền, thông tin sai lệch hoặc gây ảnh hưởng đến người Mỹ.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến TikTok chỉ là giả định – mặc dù đáng lo ngại.

Các quan chức Mỹ vẫn chưa công khai đưa ra bằng chứng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ. Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng dự luật của họ nhằm ngăn chặn khả năng này.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sẽ thực hiện theo các quy tắc yêu cầu đạt 2/3 số phiếu để thông qua. Dự luật sau đó sẽ được chuyển tới Thượng viện.

Trong những bình luận gần đây với các phóng viên, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ bang Wisconsin, Mike Gallagher, người chủ trì một ủy ban của hạ viện về Trung Quốc, bác bỏ việc mô tả dự luật như một lệnh cấm TikTok.

“Đó không phải là lệnh cấm mà đặt quyền lựa chọn hoàn toàn vào tay TikTok", ông nói. Theo nghị sĩ này, miễn ByteDance không còn sở hữu ứng dụng video ngắn này nữa, TikTok vẫn có thể tiếp tục tồn tại.

Trung Quốc trước đây cho biết họ sẽ “kiên quyết phản đối” tất cả các hành động ép buộc bán TikTok.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc từng cho hay: “Việc bán hoặc thoái vốn trong TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và các thủ tục cấp phép hành chính phải thực hiện theo luật pháp và quy định của Trung Quốc”.

Phương Anh (Nguồn: CNN)

Tin mới