Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc nhân bản sói Bắc Cực, mở ra hướng cứu động vật quý hiếm

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã nhân bản vô tính một con sói Bắc Cực hoang dã và họ hy vọng công nghệ này có thể được dùng để cứu giúp các loài đang bị đe dọa.

Hôm thứ Hai (19/9), công ty công nghệ sinh học Sinogene (trụ sở tại Bắc Kinh) tiết lộ bản sao một con sói cái, được các nhà khoa học đặt tên là Maya, đánh dấu 100 ngày từ khi nó chào đời trong phòng thí nghiệm ngày 10/6.

Maya, chó con màu nâu xám với đuôi đầy lông, đang khỏe mạnh, Sinogene Biotechnology cho biết. Trong một cuộc họp báo, công ty chiếu video có cảnh Maya đang chơi đùa, nghỉ ngơi.

Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Mi Jidong - Tổng giám đốc Sinogene, nói: “Sau hai năm chúng tôi miệt mài nỗ lực, con sói Bắc Cực đã được nhân bản thành công. Đây là trường hợp đầu tiên thuộc loại này trên thế giới”.

Sói Bắc Cực, còn được gọi là sói trắng, là một phân loài của sói xám nguồn gốc từ lãnh nguyên Bắc Cực, thuộc quần đảo Bắc Cực phía bắc của Canada. Tình trạng bảo tồn của sói Bắc Cực - chỉ số được sử dụng để xác định mức độ gần như tuyệt chủng của một loài - được coi là có nguy cơ thấp, vì môi trường sống ở Bắc Cực của loài sói này gần như vắng bóng thợ săn, theo Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF).

Sói Bắc Cực ở công viên Harbin Polarland ở Trung Quốc ngày 22/11/2017. (Ảnh: Getty Images)

Kỹ thuật nhân bản sói giống kỹ thuật tạo ra cừu Dolly

Sinogene đã khởi động dự án nhân bản sói Bắc Cực của mình vào năm 2020, phối hợp với công viên giải trí Harbin Polarland ở Harbin (Cáp Nhĩ Tân - thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc), theo tuyên bố của hãng trên mạng xã hội Weibo.

Để tạo ra Maya, công ty đã sử dụng một quy trình gọi là chuyển nhân tế bào soma - kỹ thuật tương tự đã được sử dụng để tạo ra nhân bản vô tính động vật có vú đầu tiên, cừu Dolly, vào năm 1996.

Dolly, cừu cái sống từ năm 1996 đến năm 2003, là bản sao đầu tiên của động vật có vú trưởng thành, được tạo ra bởi nhà sinh vật học phát triển người Anh Ian Wilmut và các đồng nghiệp ở Viện Roslin, Scotland. (Ảnh: Britannica)

Đầu tiên, họ sử dụng mẫu da của con sói Bắc Cực ban đầu - cũng được gọi là Maya, được nhập từ Canada vào Harbin Polarland - để lấy “các tế bào hiến tặng”. Sau đó, các tế bào này được tiêm vào trứng của một con chó cái và được mang thai hộ.

Các nhà khoa học đã tạo ra 85 phôi như vậy, chuyển vào tử cung của 7 con chó săn cỡ nhỏ (dòng chó săn thỏ), dẫn đến sự ra đời của một con sói Bắc Cực khỏe mạnh. Đó chính là Maya được nhân bản. Sinogene viết trên Weibo rằng, một con sói Bắc Cực nhân bản thứ hai dự kiến ​​sẽ sớm ra đời.

Ông He Zhenming - Giám đốc Viện Tài nguyên động vật thí nghiệm thuộc Viện Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc, cho rằng, việc nhân bản thành công Maya là một “sự kiện mang tính bước ngoặt, có ý nghĩa to lớn đối với việc bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới và phục hồi các loài có nguy cơ tuyệt chủng”.

Phương pháp dùng để nhân bản cừu Dolly. (Nguồn: Research Gate)

Sinogene cho biết công ty sẽ bắt đầu hợp tác với Công viên Động vật Hoang dã Bắc Kinh để nghiên cứu thêm các ứng dụng và công nghệ nhân bản, cũng như tiến hành nghiên cứu về bảo tồn, nhân giống các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Trung Quốc.

Sói Maya bản gốc đã chết già vào năm 2021, báo Trung Quốc Global Times đưa tin. Maya bản sao đang sống với “bà mẹ mang thai hộ” là chó săn, sau đó sẽ được chuyển đến Harbin Polarland, mở cửa cho công chúng đến xem.

Một giống chó săn thường được nuôi để săn thỏ hoặc làm thú cưng. (Ảnh: Bubbly Pet)

Khủng hoảng tuyệt chủng

Đây không phải là lần đầu tiên công nghệ nhân bản được các nhà khoa học bảo tồn sử dụng. Tại Malaysia, nơi tất cả tê giác Sumatra đã chết, các nhà khoa học đang hy vọng sử dụng các mô và tế bào đông lạnh để sinh ra những con tê giác mới bằng cách sử dụng mẹ thay thế (mang thai hộ).

Cuối năm 2020, các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công một loài chồn chân đen hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, từng được cho là đã tuyệt chủng trên toàn cầu.

Các nhà khoa học khác đang đặt cược vào công nghệ chỉnh sửa gien. Một nhóm ở Úc đang cố gắng chỉnh sửa các tế bào từ một loài thú có túi để tái tạo họ hàng gần của nó, loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng.

Tê giác Sumatra trong một khu vực được bảo vệ ở Malaysia, tháng 10/2013. (Ảnh: Getty Images)

Những nỗ lực này đang tăng lên khi các nhà khoa học trên khắp thế giới chạy đua để cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng, khi Trái đất tiến gần đến nơi được nhiều người coi là tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu. Đã có năm sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử, mỗi sự kiện xóa sổ từ 70-95% các loài thực vật, động vật và vi sinh vật.

Gần đây nhất, 66 triệu năm trước, loài khủng long đã biến mất. Lần tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu này sẽ có nét riêng là được thúc đẩy bởi con người. Con người đã xóa sổ hàng trăm loài thông qua buôn bán động vật hoang dã, ô nhiễm, mất môi trường sống và sử dụng các chất độc hại.

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy khoảng một phần ba số thực vật và động vật có thể đối mặt nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2070. Và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng nhanh.

Nhưng nhiều nỗ lực bảo tồn mới cũng gây tranh cãi, với những câu hỏi được đặt ra về đạo đức và sức khỏe của việc nhân bản và chỉnh sửa gien. Trong trường hợp của Maya, một nhà khoa học nói với Global Times rằng, cần có thêm nghiên cứu về việc liệu nhân bản có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe hay không. Cũng cần phải có nhiều hướng dẫn hơn để xác định việc sử dụng công nghệ phù hợp, như chỉ nhân bản các loài đã tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Nguồn: Tiền phong

Tin mới