Theo thông báo, cuộc tập trận diễn ra trong 5 ngày từ 1/7 đến 5/7 bên trong khu vực giới hạn bởi 6 tọa độ: 17°16.24N 111°24.65E; 18°02.19N, 112°59.45E; 16°58.63N, 113°48.37E; 16°29.12N, 113°44.93E; 15°41.19N, 112°38.17E; 16°03.58N, 111°26.69E.
Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không vào vùng biển trên trong thời gian diễn ra tập trận.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngang nhiên thông báo về cuộc tập trận trái phép tại Hoàng Sa.
Tháng 9/2019, Trung Quốc cũng ngang nhiên ra thông báo tổ chức hai cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và cấm tất cả các tàu thuyền đi lại trong khu vực tập trận.
Trung Quốc thời gian gần đây liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp tại Biển Đông.
Không lâu sau khi điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” trước khi tự ý đặt tên cho 80 thực thể tại Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh tập trận vào tháng 4/2018.
Trong cuộc họp báo hôm 14/5, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị", bà Hằng nhấn mạnh.