Theo SCMP, sự thay đổi này xuất hiện trong bản sửa đổi một quy định được soạn thảo từ năm 1974, liên quan đến các quy tắc kỹ thuật kiểm tra các tàu đi lại trên biển. Thay đổi này bắt đầu có hiệu lực từ 1/8.
Theo sửa đổi trên, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cái gọi là “Khu vực điều hướng Hải Nam-Tây Sa”, nối 2 điểm ở đảo Hải Nam của nước này với 3 điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa.
Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. (Ảnh: Reuters)
Nhận định về động thái mới của Bắc Kinh, Zhang Jie, chuyên gia Biển Đông thuộc Viện khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang muốn tăng cường quản lý trái phép Hoàng Sa bằng luật pháp của nước này.
"Ngay cả khi quy định này không trực tiếp nhằm tăng cường kiểm soát, nó vẫn có tác dụng đó", ông Zhang phân tích.
Trong khi đó, Collin Koh, một thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định, động thái mới của Trung Quốc không gây quá nhiều bất ngờ, đặc biệt là sau khi nước này tuyên bố thành lập trái phép các đơn vị hành chính ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc hồi giữa tháng 4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”,
Trước động thái ngang ngược này của Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới", bà Hằng nhấn mạnh.