Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc muốn xây dựng kính viễn vọng quang học lớn nhất châu Á

Dự án của Trung Quốc sẽ tạo ra một chiếc kính viễn vọng có khả năng quan sát vũ trụ mạnh mẽ như kính viễn vọng không gian James Webb của Mỹ, nhưng từ dưới mặt đất.

Trung Quốc muốn xây dựng kính viễn vọng quang học lớn nhất ở châu Á, qua đó thu hẹp khoảng cách về khả năng nghiên cứu thiên văn với các cường quốc khoa học trên thế giới.

Dự án nhắm tới mục tiêu tạo ra một kính viễn vọng có khẩu độ ban đầu là 6m vào năm 2024. Kính sẽ được mở rộng khẩu độ lên 8 m vào năm 2030.

Dự án, có tên chính thức bằng tiếng Anh là Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng (EAST), sẽ do Đại học Bắc Kinh chịu trách nhiệm thực hiện.

Hình ảnh mô phỏng về kính viễn vọng quang học cực lớn mà Trung Quốc đang chế tạo. (Ảnh: Space)

Theo một tuyên bố của Đại học Bắc Kinh, kính viễn vọng mới "sẽ cải thiện đáng kể" khả năng quan sát quang học của Trung Quốc trong hoạt động nghiên cứu thiên văn.

Chữ viết tắt EAST (phía Đông) cũng có ý nghĩa kính viễn vọng mới sẽ là một thiết bị quang học chuyên quan sát vũ trụ mang đẳng cấp thế giới đầu tiên ở Đông Bán cầu. Các đài thiên văn quang học hàng đầu hiện nay đều nằm ở Tây Bán cầu, tại các địa điểm xung quanh khu vực Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ), Atacama ở Chile và Quần đảo Canary ở ngoài khơi bờ biển Tây Bắc châu Phi.

Giai đoạn đầu tiên của dự án EAST sẽ tạo ra một hệ thống gương lớn từ 18 đoạn gương lục giác nhỏ hơn. Cấu trúc này giống với hệ thống gương của Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) thuộc sở hữu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Hệ thống gương ban đầu sẽ có đường kính khoảng 6m, bằng với JWST.

Nhưng không giống như JWST, vốn hoạt động trong không gian, EAST sẽ được xây dựng trên núi Saishiteng gần thị trấn Lenghu, tỉnh Thanh Hải, ở độ cao khoảng 4.200 m so với mặt nước biển.

Giai đoạn thứ hai sẽ bổ sung vào hệ thống một vành đai gồm 18 gương lục giác khác nằm quanh cụm gương chính, qua đó mở rộng đường kính của hệ thống gương lên 8m vào năm 2030.

Đại học Bắc Kinh ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 500-600 triệu nhân dân tệ (69-84 triệu USD). Trang tin Qinghai News cho biết dự án đã được triển khai một cách có hệ thống.

Theo Đại học Bắc Kinh, thiên văn học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ và xã hội. Trường lưu ý rằng giải thưởng Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho các nhà khoa học đã phát hiện ra lỗ đen ở trung tâm Dải Ngân hà, bằng cách sử dụng các kính thiên văn quang học cực mạnh, gồm cặp kính thiên văn Keck nằm trên đỉnh Mauna Kea và Kính thiên văn cực lớn (VLT) ở sa mạc Atacama của Chile.

EAST sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho khả năng thiên văn đang phát triển mạnh hơn của Trung Quốc.

Nước này đã chế tạo kính viễn vọng vô tuyến đơn khẩu độ lớn nhất thế giới mang tên FAST, và có kế hoạch phóng một đài quan sát có tên Xuntian vào không gian trong giai đoạn cuối năm 2023.

Nguồn: vietnamplus

Tin mới