Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc muốn thay đổi luật pháp quốc tế: Nói dễ hơn làm

(VTC News) -

Trung Quốc đang tìm cách hình thành các quy tắc mới của luật pháp quốc tế để đối mặt với hàng loạt thách thức pháp lý, từ việc xử lý COVID-19 tới Biển Đông.

Trong những năm qua, Bắc Kinh ưu tiên sử dụng các cuộc đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp và bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng theo SCMP, có những dấu hiệu cho thấy điều này đang thay đổi trong bối cảnh Trung Quốc phải hứng chịu những phản ứng dữ dội vì không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế cũng như mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế.

Dấu hiệu gần đây nhất về sự thay đổi chiến lược của Bắc Kinh được ghi nhận vào tháng 10 khi Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt. 

"Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc đang ngày càng ủng hộ việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tìm cách thiết lập một trật tự quốc tế công bằng, hợp lý hơn và một hệ thống quản trị toàn cầu với sự tham gia bình đẳng", ông Dương viết trong một bài báo đăng tải trên tạp chí Qiushi. 

Trung Quốc đang tìm cách hình thành các quy tắc mới của luật pháp quốc tế khi các thách thức pháp lý gia tăng. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Dương cho rằng Trung Quốc phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực nhằm đẩy mạnh việc áp dụng luật pháp quốc tế trong các lĩnh vực như đại dương, vùng cực và trí tuệ nhân tạo.

Các nhà ngoại giao tin việc Bắc Kinh đang thay đổi xuất phát từ hàng loạt phản ứng gay gắt cũng như các công hàm phản đối các hành động ngang ngược Trung Quốc ở Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh bất chấp các chuẩn mực quốc tế. 

Theo giáo sư quan hệ quốc tế Liang Yunxiang của Đại học Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc hiểu được rằng họ cần một chiến thuật mới. 

“Từ góc độ chính sách đối ngoại, kể từ sau vụ kiện Biển Đông cũng như trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, Bắc Kinh nhận thấy tính cấp bách của việc sử dụng luật quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia", Liang nói. 

Ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng có thể sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý, bao gồm một vụ kiện "tập thể" của châu Âu và Mỹ chống lại việc Bắc Kinh xử lý đại dịch. 

Zheng Zhihua, chuyên gia luật quốc tế của Đại học Giao thông Thượng Hải dự đoán các vụ kiện "kiểu này" sẽ gia tăng trong thời gian tới. 

"Tôi nghĩ Trung Quốc cần phải có một số kế hoạch trong tay để có thể hình thành một chiến lược... Trung Quốc cần thêm các chuyên gia về luật pháp quốc tế để đánh bại của vụ kiện về COVID-19 của Mỹ", Zheng nêu quan điểm. 

Theo SCMP, các đại diện của Trung Quốc hiện nắm giữ các vị trí quan trọng tại 4 trong tổng số 15 tổ chức chuyên môn thuộc Liên hợp quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. 

Mới đây nhất, ông Xue Hanqin - quan chức ngoại giao Trung Quốc trúng cử ghế thẩm phán Tòa công lý quốc tế (ICJ).

Theo ông Jia Guide, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhiều chuyên gia pháp lý và nhà ngoại giao hơn sẽ giúp Bắc Kinh đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập trật tự quốc tế mới.

Dù vậy, giới quan sát khẳng định việc thay đổi các quy tắc để phù hợp hơn với Trung Quốc là việc nói dễ hơn làm. 

"Sức mạnh luật pháp luôn thấp hơn sức mạnh chính trị và quân sự.  Nó đơn giản được xem như công cụ để hiện thực hóa quyền lực và lợi ích", Liang nói.

Trong khi đó, ông Zhang nhận định Trung Quốc có thể cử đại diện của mình vào các tổ chức quốc tế, nhưng việc thiếu kinh nghiệm có thể khiến Bắc Kinh gặp khó trong việc áp dụng luật quốc tế.

“Xây dựng luật là một quá trình rất nhạy cảm, đòi hỏi ý kiến ​​chuyên môn ở mọi bước. Nếu không có khả năng, sẽ rất khó để nói quan điểm của bạn được phản ánh trong văn bản của một dự thảo hiệp ước", Zhang cho hay. 

Song Hy

Tin mới