Theo báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 17/6, Trung Quốc đã bổ sung thêm 90 đầu đạn vào kho dự trữ hạt nhân của mình, nâng tổng số lên 500 đầu đạn tính đến tháng 1 năm nay. Trong đó, tổng số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Trung Quốc đạt khoảng 238.
Báo cáo dự đoán số lượng ICBM của Trung Quốc có thể vượt qua con số 800 của Mỹ hoặc thậm chí là tổng số 1.244 của Nga trong vòng 10 năm tới.
Tuy nhiên, quy mô tổng thể của kho vũ khí hạt nhân dự kiến sẽ vẫn nhỏ hơn nhiều so với hai cường quốc hạt nhân lớn nhất. Mỹ hiện sở hữu 5.044 đầu đạn trong khi Nga có 5.580 đầu đạn.
“Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác”, Hans Kristensen, nghiên cứu viên cấp cao phụ trách Chương trình Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt của Sipri, cho biết. "Hầu hết các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều có kế hoạch hoặc đang đẩy mạnh việc gia tăng lực lượng".
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2019. (Ảnh: Reuters)
Tính đến tháng 1/2024, có khoảng 12.121 đầu đạn trong các kho dự trữ hạt nhân toàn cầu tính, trong đó Nga và Mỹ sở hữu gần 90%. Khoảng 9.585 trong số này sẵn sàng để sử dụng, phần còn lại là các đầu đạn đã ngừng hoạt động từ thời Chiến tranh Lạnh và chưa được tháo dỡ hoàn toàn.
Ông Dan Smith, Giám đốc SIPRI cho biết: "Mặc dù tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu tiếp tục giảm do vũ khí thời Chiến tranh Lạnh dần dần được tháo dỡ, nhưng đáng tiếc là chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự gia tăng hàng năm về số lượng đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động".
Ông nói thêm: "Xu hướng này dường như sẽ tiếp tục và có thể tăng tốc trong những năm tới và điều này cực kỳ đáng lo ngại".
Nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân và ngoại giao giải trừ vũ trang đã "gặp phải nhiều trở ngại trong năm 2023", với việc Nga đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược cuối cùng với Mỹ, rút thỏa thuận phê chuẩn một hiệp ước cấm thử hạt nhân, cũng như bị cho là dùng lời lẽ đe dọa hạt nhân để đáp trả sự ủng hộ của châu Âu và Mỹ đối với Ukraine.
Trong khi đó, xung đột bùng nổ ở dải Gaza đã làm suy yếu những nỗ lực đưa Israel tham gia các cuộc đàm phán về một Trung Đông không hạt nhân và "dường như chấm dứt các nỗ lực ngoại giao Iran - Mỹ".
Báo cáo của SIPRI cũng cho biết Trung Quốc đang xây dựng khoảng 350 silo tên lửa đạn đạo trên đất liền mới.
Nếu Trung Quốc lấp đầy tất cả các hầm chứa tên lửa mới đang xây dựng bằng tên lửa đầu đạn đơn, thì trong vòng một thập kỷ tới, nước này sẽ có thể triển khai khoảng 650 đầu đạn trên các ICBM của mình.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết không rõ Trung Quốc có kế hoạch gì cho các hầm chứa này và nếu chúng được sử dụng để chứa tên lửa mang ba đầu đạn tái nhập khí quyển nhắm mục tiêu độc lập (MIRV) - cho phép tấn công nhiều mục tiêu - thì số lượng đầu đạn ICBM có thể tăng lên hơn 1.200.
Năm ngoái, một báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra kết luận tương tự về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, ước tính nước này có khoảng 500 đầu đạn sẵn sàng hoạt động và có thể vượt qua mốc 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Cạnh tranh với Mỹ
Theo nhà nghiên cứu Kristensen, việc Trung Quốc mở rộng kho hạt nhân có thể do lo ngại rằng Mỹ có khả năng tiêu diệt một phần đáng kể lực lượng ICBM của họ trong một cuộc tấn công phủ đầu, cũng như những nỗ lực vượt qua khả năng ngày càng tăng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Đây cũng có thể là nỗ lực nhằm gia tăng lực lượng răn đe hạt nhân để cho phép Trung Quốc tự do hơn trong việc tiến hành các hoạt động tấn công thông thường mà không sợ sự can thiệp của Mỹ.
Bắc Kinh không bình luận về kho vũ khí hạt nhân của mình và cho rằng các ước tính của Washington đang được sử dụng như "một cái cớ thuận tiện để mở rộng kho vũ khí hạt nhân của chính mình nhằm đạt được ưu thế chiến lược tuyệt đối".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến tuần trước tuyên bố, nước này có chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” và duy trì số lượng đầu đạn tối thiểu cần thiết để đáp ứng các nhu cầu an ninh quốc gia.
Trung Quốc hiện có thể phóng tên lửa hạt nhân từ đất liền, trên biển và trên không. (Ảnh: SCMP)
Theo SIPRI, tính đến tháng 1/2024, khoảng 346 đầu đạn hạt nhân được gắn trên các tên lửa đạn đạo trên mặt đất, chiếm tới 70% lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Khoảng 20 đầu đạn được phân bổ cho không quân và 72 đầu đạn cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Số đầu đạn còn lại, 62 đầu đạn, được lưu trữ ở nơi khác và được dành cho các tên lửa chưa hoạt động.
Ông Kristensen cho rằng những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm đưa tên lửa nhiên liệu rắn vào các hầm chứa, thực hiện các cuộc tuần tra răn đe trên biển và dường như đang phát triển khả năng phóng tên lửa dựa trên cảnh báo, cho thấy "Trung Quốc có thể đã bắt đầu ghép nối một số lượng nhỏ đầu đạn với bệ phóng của chúng".
Trước đây, Trung Quốc được cho là lưu trữ riêng rẽ đầu đạn hạt nhân, tên lửa và bệ phóng, ngoại trừ những thời điểm khủng hoảng.
Tuy nhiên, báo cáo của SIPRI cũng chỉ ra rằng độ tin cậy của tên lửa Trung Quốc "đang bị nghi ngờ" sau các báo cáo về tham nhũng trong Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Điều này có thể làm suy yếu chương trình hiện đại hóa của quân đội nước này.