Thể hiện dấu hiệu liên minh mạnh mẽ hơn dưới chính quyền Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook thông báo rằng các cuộc tập trận quân sự mùa xuân hàng năm với Mỹ sẽ được nối lại trong năm 2021.
Trước đây, Mỹ-Hàn tập trận vào tháng 3 hàng năm. Nhưng họ giảm hoặc ngừng bớt một số cuộc tập trận kể từ năm 2018, như một phần nỗ lực của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm duy trì thỏa thuận ngừng bắn mà ông đạt được với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc tập trận cũng bị giảm quy mô vào năm ngoái vì đại dịch COVID-19.
Quyết định nối lại tập trận được công bố vài ngày sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Suh và Lloyd Austin, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông Austin cam kết “sắt đá” trong việc bảo vệ đồng minh lâu dài của mình thông qua hoạt động quốc phòng phối hợp.
Liên minh quân sự giữa Washington và Seoul được dự đoán sẽ được củng cố. (Ảnh minh họa: AP)
Dù Biden chưa vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng liên minh với Hàn Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cách tiếp cận của Washington ở khu vực, theo các chuyên gia ngoại giao.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức vào tuần trước, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đã lên tiếng về ý định xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn. Mối quan hệ liên minh gặp trục trặc trong 3 năm qua, khi ông Trump muốn Seoul phải trả gấp 5 lần chi phí hiện tại cho 28.500 lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Mỹ, khẳng định “sức mạnh lâu dài và tầm quan trọng của liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc”, mà ông nói là “cốt lõi vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như trên toàn thế giới”.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia nước này, cho biết hai nước sẽ làm việc cùng nhau để cho phép liên minh "phát triển mạnh mẽ hơn nữa" dưới chính quyền Biden.
Không như Trump, người đe dọa rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên vì vấn đề chia sẻ chi phí, Biden hứa sẽ không sử dụng sự hiện diện của quân đội để "tống tiền" Hàn Quốc. Động thái có thể giúp khắc phục một trong những rạn nứt lớn nhất trong liên minh.
Mỹ-Hàn dự định làm việc cùng nhau thắt chặt mối quan hệ trong chính quyền Biden. (Ảnh minh họa: CFR)
Đứng giữa hai cường quốc
Shen Dingli, học giả về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải cho biết: “Mặc dù Hàn Quốc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhưng an ninh quốc gia quan trọng hơn nhiều so với kinh tế. Hàn Quốc sẽ xích lại gần Mỹ hơn trong chính quyền Biden vì mục tiêu của nước này là duy trì hòa bình ở Đông Á dưới sự lãnh đạo của Mỹ”.
Hai tháng sau hiệp định đình chiến năm 1953, chấm dứt thù địch trong chiến tranh Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc ký hiệp ước phòng thủ chung, một nền tảng trong chính sách an ninh của Hàn Quốc. Theo thỏa thuận, hai quốc gia cam kết cung cấp viện trợ lẫn nhau nếu đối mặt với cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài, đồng thời quân đội và hỏa lực của Mỹ được phép duy trì sự hiện diện liên tục trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên xem đây là hành động khiêu khích.
Trung Quốc, duy trì quan hệ thân thiết lâu năm với Triều Tiên, cũng thận trọng trước dấu chân quân sự của Mỹ ngay gần nước mình. Họ xem đây là một phần của liên minh khu vực nhằm kiềm chế ảnh hưởng chính trị và quân sự ngày càng tăng của họ.
Khi Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào Trung Quốc - hiện là đối tác thương mại lớn nhất - họ cũng cố gắng cư xử phù hợp giữa hai cường quốc.
“Thay vì lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc sẽ trung lập và hợp tác về các vấn đề khác nhau”, Gabyong Yang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, được tài trợ bởi chính phủ Hàn Quốc nói.
Ông Yang cho biết chính quyền Biden, vì coi trọng các đồng minh của mình, sẽ “đảm bảo Hàn Quốc không bao giờ trở nên xa cách”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP)
Bắc Kinh lo ngại?
Guo Hai, một nhà nghiên cứu liên kết tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, cho biết chính quyền Biden cũng có thể thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Tokyo và Seoul, vốn đang gặp bế tắc trong vấn đề dai dẳng về thương mại và lịch sử thời chiến.
Guo nói, một liên minh ba bên do Mỹ dẫn đầu sẽ là tình huống xấu nhất đối với Bắc Kinh. Trong khuôn khổ chiến lược năm 2018 vừa được giải mật cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ cho biết có thể tìm cách giúp Hàn Quốc và Nhật Bản có năng lực quân sự tiên tiến và thu hút hai bên lại gần hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Guo nói: “Cho đến nay Mỹ mới chỉ thiết lập các liên minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng với quyền lực của Biden, ông ấy có thể chủ động làm trung gian hòa giải trong tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc".
Về phía mình, Bắc Kinh đã cố gắng thu hút Seoul. Trong cuộc thảo luận qua điện thoại kéo dài 40 phút vào đêm muộn hôm thứ Ba (26/1), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với ông Moon rằng Bắc Kinh ủng hộ đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán giữa Washington và Triều Tiên. Cả hai đều nằm trong chương trình nghị sự của ông Moon, một người ủng hộ hòa giải liên Triều.
Trong khi đó, Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho biết: “Trung Quốc sẽ không bao giờ hỗ trợ Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, đây là một đảm bảo an ninh quan trọng đối với Hàn Quốc. Vì vậy, đối với Hàn Quốc, Trung Quốc vượt qua Mỹ về tầm quan trọng trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh”.
Vào năm 2016, Trung Quốc tức giận áp đặt các lệnh cấm không chính thức đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi cựu Tổng thống Park Geun-hye đồng ý trang bị một hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ hậu thuẫn. Hệ thống radar có thể theo dõi khả năng quân sự của Trung Quốc và có khả năng mang lại lợi thế cho Mỹ trong bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai với Trung Quốc. Seoul khẳng định hệ thống này là để tự vệ trước các cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên.
Bắc Kinh nói với Seoul rằng ủng hộ đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán giữa Washington và Triều Tiên. (Ảnh minh họa:Global News)
Tuy nhiên, theo Wu Xiangning, một phó giáo sư tại Đại học Ma Cao, Hàn Quốc và Mỹ có quan điểm khác nhau về cách đạt được phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên và điều đó đang có tác động tiêu cực đến liên minh quân sự của họ.
Ông nói: “Chính quyền Moon muốn Mỹ tái khởi động các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Hơn 70% người dân Hàn Quốc mong đợi Biden gặp Kim Jong-un, nhưng (Tổng thống Mỹ) nói rõ rằng ông sẽ không gặp Kim trừ khi có cam kết phi hạt nhân hóa”.
“Trong thời gian chờ đợi, Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, điều mà ông Moon không muốn làm vì hy vọng về một sự thống nhất hòa bình trên bán đảo và không muốn làm phiền lòng Triều Tiên quá nhiều”.