Tham vọng vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới của Trung Quốc đối mặt thách thức sau khi Washington áp đặt hạn chế với ngành chip nước này. Mỹ biết phải làm gì để ngăn thăm vọng của Trung Quốc và việc chặn nguồn cung cấp chip, công nghệ bán dẫn lõi mà Washington đang nắm giữ được xem là “nước cờ” khôn ngoan của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Câu hỏi đang được đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì để soán ngôi nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ?
Nỗ lực ngăn chặn xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc đã được Mỹ tăng tốc, tập hợp liên minh tạo gọng kìm với Bắc Kinh. Theo đó, tháng trước, Mỹ bắt tay với Hà Lan và Nhật Bản để hạn chế việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Bắc Kinh.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Mỹ công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng mua và sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc. Đây là nỗ lực nhằm làm chậm các tiến bộ quân sự và công nghệ của Bắc Kinh.
Biện pháp này đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn nhất của chính phủ Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990, đồng thời được cho có thể gây thiệt hại lớn với ngành sản xuất chip của Trung Quốc.
Trước đó, trong tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỷ USD tài trợ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ, cũng như bơm gói tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ USD.
Mỹ tạo liên minh, áp đặt hạn chế về cung cấp công nghệ chip ban dẫn cho Trung Quốc. (Ảnh: Nikkei)
Chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đổi mới công nghệ, tăng tính cạnh tranh trong cuộc chiến công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu. Thế nhưng, việc Mỹ hạn chế xuất khẩu linh kiện và công nghệ bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc khiến Bắc Kinh gặp khó.
Mặc dù Trung Quốc được cho là quốc gia có năng lực sản xuất công nghiệp mạnh nhất thế giới, song công nghệ lõi là gót chân Achilles của nước này. Đây chính là huyệt điểm để Washington giáng đòn chí tử trong cuộc chiến công nghệ với Bắc Kinh.
Nếu không làm chủ được công nghệ lõi - những con chip quan trọng cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ ô tô đến điện thoại thông minh - thì tham vọng trở thành cường quốc kỹ thuật số toàn cầu của Trung Quốc, cũng như vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, có thể “tan thành mây khói”.
Jun Zhang, phó giáo sư địa lý kinh tế tại Đại học Toronto, cho rằng chip bán dẫn là nền tảng của kinh tế hiện đại. Trung Quốc phải đối mặt với áp lực “chưa từng có” từ Mỹ. Khả năng cạnh tranh quốc tế của Bắc Kinh phần nào phụ thuộc vào việc liệu Washington sẽ thực thi chính sách siết xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc trong thời gian bao lâu.
Lệnh cấm công nghệ của Mỹ là một trong những lý do khiến nhiều tổ chức quốc tế bắt đầu điều chỉnh dự báo về khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tháng 11 năm ngoái, Goldman Sachs dự báo quy mô nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm 0,26 điểm phần trăm vào năm 2023 do Mỹ quyết định chặn xuất khẩu chip sang nước này, trong khi tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm trong 4 năm tới.
“Chúng tôi cho rằng tác động ngắn hạn chủ yếu đến từ lĩnh vực bán dẫn và máy tính. Trong thời gian dài, biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ sẽ có tác động lớn hơn”, Goldman Sachs cho hay.
Trung Quốc coi nền kinh tế kỹ thuật số - chiếm 39,8% GDP, là động lực tăng trưởng chính của nước này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tham vọng, cường quốc kinh tế kỹ thuật số, quốc gia này cần chip bán dẫn. Chuỗi ngành công nghiệp như máy tính tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo... đối mặt với thách thức từ lệnh cấm của Mỹ.
Dan Wang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết: “Các công ty phần cứng ở Trung Quốc đều hứng chịu hậu quả từ các hạn chế sâu rộng mà Mỹ áp đặt. Đòn trừng phạt này sẽ cản trở những tiến bộ về chất bán dẫn của Trung Quốc”.
Đồng quan điểm, Thomas Helbling, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tác động từ những hạn chế của Mỹ và đồng minh đối với ngành chip Trung Quốc là rất lớn. “Đây là cú sốc, chủ yếu là trong ngắn hạn. Những hạn chế chip này có gây ra những tổn thất đáng kể Trung Quốc khi lĩnh vực này có mối liên kết chặt chẽ đối với nền kinh tế”, ông nói.
Từ lâu, IMF đã cảnh báo về sự tách rời công nghệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và sự phân mảnh địa kinh tế, cho rằng điều đó có thể dẫn đến thiệt hại khoảng 5% GDP toàn cầu.
Tình hình càng phức tạp hơn khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ thông qua Đạo luật chip EU vào cuối năm nay. Luật này được cho sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất chip toàn cầu của châu Âu lên mức 20%.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc chạy đua giành ưu thế về chất bán dẫn, được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị hơn là xét ở khía cạnh kinh tế. Điều này có nguy cơ không chỉ làm chệch hướng phát triển công nghiệp mà còn định hình lại động lực tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Trung Quốc và EU.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục thực thi chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Trung Quốc chưa đưa ra ước tính chính thức về những tổn thất kinh tế mà nước này hứng chịu. Song, Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc Washington lạm dụng sự thống trị thị trường, chèn ép nước này, đồng thời tuyên bố dần tự chủ về công nghệ.
10 năm trước, các nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh đến sự cần thiết tự cung, tự cấp chất bán dẫn, đưa vấn đề này vào trong chương trình nghị sự. Điều này phản ánh những lo ngại của Bắc Kinh về việc bị nước ngoài bóp nghẹt trong các công nghệ cốt lõi.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tự cung cấp chip lên 70% vào năm 2025, từ khoảng 30% năm 2019. Trung Quốc đã xác định chip cao cấp, máy công cụ công nghiệp, phần cứng, vật liệu, cũng như phần mềm và thuật toán là những điểm nghẽn nổi bật mà nước này phải đối mặt.
Sau đòn trừng phạt gần đây của Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách cải thiện khả năng tự chủ về công nghệ. Cơ sở để Trung Quốc đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số là sự quyết tâm của lãnh đạo nước này, sẵn sàng bơm tài chính để đẩy nhanh quá trình thay thế phụ thuộc chất bán dẫn từ bên ngoài.
Trung Quốc nêu ra cơ chế mới, huy động tài trợ của chính phủ, khơi dậy tinh thần kinh doanh và phát triển tài năng để đạt được mục tiêu công nghệ. Trong khi doanh nghiệp nhà nước được khuyến khích đi đầu trong các chuỗi công nghiệp tương ứng.
Vào năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc bắt đầu chiến dịch tập trung vào phát triển các công nghệ bán dẫn nhằm có thể tự chủ việc sản xuất các loại chip tiên tiến bậc nhất thế giới. Kể từ đó, hơn chục trường đại học danh tiếng, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, đã thành lập các khoa chuyên phát triển và nghiên cứu mạch tích hợp (IC).
Trung Quốc đầu tư chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Vào năm 2022, khoản chi này tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục khoảng 455 tỷ USD, tương đương 2,55% GDP quốc gia.
Trung Quốc cũng nhanh chóng hình thành hệ sinh thái thiết bị, linh kiện và vật liệu phục vụ cho chip bán dẫn. Tuy nhiên các nhà sản xuất chip nội địa vẫn tụt hậu khá xa so với các đối thủ trên toàn cầu.
Hyung-Gon Jeong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc, cho biết: “Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu tập trung vào các công ty Mỹ và ảnh hưởng của Trung Quốc tương đối yếu. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu các công ty đa quốc gia lần lượt rời khỏi nước này do lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó để để cắt giảm chi phí, nhiều công ty nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Điều này buộc chính quyền Trung Quốc phải cam kết tiếp cận thị trường rộng rãi hơn và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn để giữ chân các nhà đầu tư.
Bất chấp các ưu đãi chính sách và chi tiêu khổng lồ của Bắc Kinh, nguồn tài trợ của chính phủ Trung Quốc vẫn đang bị lãng phí khi đổ vào các dự án có giá trị gia tăng thấp và chưa hoàn thành.
Hàng chục dự án chip đã được vẽ lên ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, một số đã bị đóng cửa, trong đó có xưởng chế tạo của GlobalFoundries ở phía tây nam thành phố Thành Đô.
Khoảng 46 công ty bán dẫn đã tham gia vào chương trình huy động vốn nhanh của chính phủ thông qua các đợt chào bán trái phiếulần đầu ra công chúng ở Thượng Hải hoặc Thâm Quyến vào năm ngoái, với tổng vốn hóa hơn 700 tỷ nhân dân tệ. 59 công ty khác đang xếp hàng để lên sàn, với quy mô gây quỹ theo kế hoạch là hơn 120 tỷ nhân dân tệ.
Chuyên gia Jun Zhang cho rằng Trung Quốc cần tài năng và nguồn tài chính lớn mạnh để đầu tư cho qúa trình đổi mới công nghệ dài hạn. “Không có con đường tắt cho tiến bộ công nghệ. Giờ đây, đổi mới độc lập là một chặng đường dài”, ông nói.
Loạt công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có Huawei hứng đòn trừng phạt từ Mỹ. (Ảnh: Reuters)