Ngày 27/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, liên quan tới thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan lớn nhất thế giới ra Biển Đông để khai thác, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này.
"Nhưng cần phải nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam. Theo đó các bên liên quan cần tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như các điều ước quốc tế song phương có liên quan", bà Hằng nói thêm.
Giàn khoan Biển Sâu số 1. (Ảnh: Global Times)
Hồi cuối tháng 5, truyền thông Trung Quốc đưa ra giàn khoan biển sâu nửa chìm nửa nổi nặng 100.000 tấn của nước này đã hoàn thành lắp đặt trang thiết bị.
Hoàn Cầu thời báo dẫn tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC), cho biết giàn khoan “Biển Sâu số 1” là giàn khoan nặng 100.000 tấn đầu tiên trên thế giới, đang đẩy mạnh việc vận hành các thiết bị và sẽ đi vào sản xuất cuối tháng 6, với sản lượng hàng năm hơn 3 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Tư lệnh quân đội Philippines tới đảo Thị Tứ, người phát ngôn nêu rõ:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam đến quần đảo này".
Người phát ngôn cho biết, Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).