Lực lượng hải cảnh Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường hiện diện tại vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc ban hành luật cho phép tàu hải cảnh nước này sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc.
Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, số lần các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển quanh Senkaku tăng từ hai lần/tháng hồi năm 2020 lên hai lần/tuần trong tháng 2.
Quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. (Ảnh: Kyodo)
Một quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo rất lo lắng trước các hoạt động của Trung Quốc và đang xem xét đưa ra phản ứng.
"Theo luật trong nước của chúng tôi, các lực lượng tự vệ có thể sử dụng vũ khí để thực thi pháp luật chống lại các hoạt động trái pháp luật thay mặt cho lực lượng tuần duyên nếu lực lượng tuần duyên Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của chúng tôi", quan chức này cho biết nói với SCMP.
Trong khi nhấn mạnh Nhật Bản không có ý định làm leo thang tình hình, quan chức trên cho biết Tokyo đang cố gắng gia tăng sức ép với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, chẳng hạn tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước như Anh và Canada.
Trong cuộc họp theo định dạng “2 + 2" giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Nhật Bản và Anh hồi tháng 2, Tokyo nêu quan ngại về luật hải cảnh của Trung Quốc.
Trước các chỉ trích từ phía Nhật Bản, Trung Quốc khẳng định hoạt động tuần tra gần Senkaku của tuần duyên nước này là chính đáng và phù hợp với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Trung Quốc thúc giục Nhật Bản kiềm chế để không làm phức tạp thêm tình hình.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuần trước Tokyo có thể triển khai Lực lượng phòng vệ nếu tàu tuần duyên nước này không thể xử lý được các tình huống.
Theo nhận định từ giới quan sát, căng thẳng Trung-Nhật sẽ tiếp tục leo thang nếu hai bên không thể quản lý khủng hoảng.
Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ, nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát, song Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này, đẩy quan hệ song phương vào trạng thái căng thẳng trong nhiều năm qua.