Một trong các nguyên tắc cơ bản của ngoại giao là đối đẳng, có đi có lại, tức là anh trao đi thứ gì thì sẽ nhận lại một điều tương tự. Nó được diễn giải một cách dễ hiểu trong ngôn ngữ phương Tây là “tit for tat” – một mắt đổi một mắt, một răng đổi một răng.
Mắt đổi mắt, răng đổi răng
Khi Liên minh châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 4 quan chức và 1 công ty xây dựng tại Tân Cương - Trung Quốc với cáo buộc rằng những cá nhân và thực thể này vi phạm nhân quyền trong việc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, họ không nghĩ và không chờ đợi Trung Quốc sẽ phản ứng ra ngoài khuôn khổ “đối đẳng”.
Nhưng Trung Quốc rõ ràng không hành động như điều mà Liên minh châu Âu tính toán.
Gần như ngay lập tức khi các lệnh trừng phạt từ EU được đưa ra, Trung Quốc trả đũa. 10 cá nhân và 4 tổ chức tại châu Âu bị Trung Quốc cấm đi lại và làm ăn với Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macao. Ngay trong đêm 22/03, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Trung Quốc Nicolas Chapuis bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập đến để trao một công hàm phản đối với những lời lẽ gay gắt giống như giáo huấn.
EU và Trung Quốc đang trả đũa lẫn nhau.
Đó là một cú sốc lớn với châu Âu.
Sốc đầu tiên là về mặt số lượng. Châu Âu trừng phạt 1 thì Trung Quốc trừng phạt gấp 3-4 lần.
Nhưng đòn trả đũa gây choáng váng hơn cả là vì các đối tượng mà Bắc Kinh hướng tới.
Châu Âu trừng phạt các quan chức địa phương tại Tân Cương, trong đó có cả 1 người đã về hưu, và 1 công ty xây dựng. Đó, thực chất, chỉ là một lệnh trừng phạt mang tính biểu tượng.
Đổi lại, Trung Quốc trừng phạt 5 nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, trong đó có cả những người đầy quyền lực như nghị sĩ Đức Reinhard Butikofer, người đứng đầu phái đoàn phụ trách quan hệ với Trung Quốc. Tiếp đến là Tiểu ban nhân quyền của Nghị viện và Ủy ban chính trị và an ninh của Hội đồng châu Âu, nơi quy tụ 27 Đại sứ các nước thành EU tại Brussels. Cuối cùng là giới học giả và xã hội dân sự, gồm Viện nghiên cứu về Trung Quốc được xem là danh tiếng nhất châu Âu đặt tại Berlin - Viện Mercator và Liên minh Dân chủ, một tổ chức phi chính phủ do cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen lập ra tại Đan Mạch.
Với một châu Âu bao lâu nay vốn quen với việc đáp trả đối đẳng từ Nga, thì rõ ràng phản hồi từ Trung Quốc là rất khó chấp nhận.
Nói như một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên ở Bắc Kinh, thì “Trung Quốc giờ coi một người Trung Quốc giá trị hơn một người châu Âu”.
Hay nhận định như một bài xã luận trên tờ “Le Monde” của Pháp, thì đó là cú đánh thẳng vào mặt một châu Âu từ lâu đã quên cách nói chuyện bằng sức mạnh.
Kéo khỏi vùng an toàn
Điều dễ hiểu là châu Âu lập tức phản ứng dữ dội.
Các nước Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan… đều triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại các nước này đến để thông báo rằng châu Âu không chấp nhận các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc và yêu cầu các biện pháp này phải lập tức bị hủy bỏ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli thì tuyên bố “châu Âu không phải bị bông” và sẽ đáp trả.
Ông David Sassoli. (Ảnh: The Local Italy)
Nhưng ít ai nghi ngờ rằng Trung Quốc đã hành động rất có tính toán, chứ không đơn giản như điều mà báo chí châu Âu nói rằng Trung Quốc đã phó mặc số phận quan hệ kinh tế hai bên vào tay các nhà ngoại giao chiến lang.
Sự trả đũa leo thang của Trung Quốc là cách mà nước này bắt buộc châu Âu phải bước ra khỏi vùng an toàn của khối này.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã hành động dựa trên tư duy rằng nếu chỉ trả đũa tương đương châu Âu thì những gì đang diễn ra sẽ lặp lại trong tương lai, vì khi đó châu Âu sẽ cảm thấy có thể tự do hành động mà vẫn tương đối an toàn.
Trung Quốc, vì thế, đã nói thẳng rằng châu Âu không thể một mặt vẫn muốn hưởng lợi từ các quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng mặt khác lại đưa ra các đòn trừng phạt.
Giờ là lúc châu Âu buộc phải lựa chọn và phải chấp nhận rủi ro.
Nhưng còn một thông điệp thứ hai đến từ Bắc Kinh, khô khốc và trần trụi hơn, đó là châu Âu không còn ở vị thế, cả về kinh tế- chính trị lẫn quân sự, để có thể áp đặt Trung Quốc.
Trên thực tế thì với châu Âu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dùng lại gần như từng từ đã được nói đến tại Alaska trước đó vài ngày với Mỹ, như châu Âu “không đủ tư cách nói về nhân quyền” và cần chấm dứt “sự giả tạo tiêu chuẩn kép”.
Đối với các chính trị gia châu Âu, thái độ đó của Bắc Kinh được xem như sự ngạo mạn và đánh giá thấp sức mạnh dân chủ của châu Âu.
Vấn đề với châu Âu là họ có chấp nhận thái độ đó của Bắc Kinh hay không, chấp nhận leo thang đến mức độ nào và chấp nhận thiệt hại đến đâu để bảo vệ điều mà họ cho là những giá trị không thể đánh đổi bằng lợi ích kinh tế.
Một cuộc gặp trực tuyến của các lãnh đạo EU-Trung Quốc.
Tương lai của Hiệp định đầu tư
Tâm điểm tranh luận giờ đây xoay quanh Hiệp định toàn diện về đầu tư mà Trung Quốc – EU mới gấp rút hoàn tất vào ngày cuối cùng của năm 2020 sau hơn 7 năm đàm phán.
Trong ngày thứ Ba (23/03), một cuộc họp dự định được tổ chức tại Nghị viện châu Âu để bàn về Hiệp định này đã bị hủy bỏ.
Hầu hết tiếng nói trong Nghị viện châu Âu giờ đây đều đi theo một hướng: đó là Nghị viện châu Âu sẽ không phê chuẩn Hiệp định đầu tư Trung Quốc –EU nếu Bắc Kinh không thay đổi thái độ, mà đầu tiên là hủy bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ và Tiểu ban của Nghị viện châu Âu.
Việc bàn luận về khả năng phê chuẩn Hiệp định vào thời điểm này đơn giản là phi lý. Hoặc như Guy Verhofstadt, một nghị sĩ tên tuổi của Nghị viện châu Âu tuyên bố thì “Trung Quốc vừa giết chết Hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc”.
Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế.
Ngay cả trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, quá trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc đã được nhận định sẽ vô cùng gian nan, với trở lực chính đến từ các nhóm nghị sĩ chống Trung Quốc tại Nghị viện châu Âu. Khả năng Hiệp định không được thông qua đã hiện hữu từ ngay thời điểm nó được ký kết.
(Ảnh minh họa)
Nhưng Trung Quốc đã thúc đẩy và đưa ra nhân nhượng để hoàn tất Hiệp định vào ngày cuối cùng nước Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (30/12/2020) và 20 ngày trước khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Với Trung Quốc, Hiệp định này là một chiến thắng chính trị mang tính biểu tượng hơn là một cơ hội kinh tế sống còn.
Vào thời điểm đó, với Hiệp định đầu tư ký với EU, Hiệp định RCEP lập nên khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới tại châu Á-Thái Bình Dương và các hiệp định sắp thành hình với các quốc gia vùng Vịnh, Trung Quốc gửi đi một thông điệp thách thức mạnh mẽ đến chính quyền mới tại Mỹ rằng các nỗ lực bao vây và ngăn chặn Trung Quốc vươn lên sẽ thất bại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: China Daily)
Các lãnh đạo châu Âu, bị thúc ép bởi các doanh nghiệp khối này, thì lại hành động theo một ưu tiên khác.
Trong cả một thập kỷ trước đó, các đời lãnh đạo châu Âu như cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và đặc biệt là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vận động, đấu tranh quyết liệt với Trung Quốc để đạt được mối quan hệ “có đi có lại” công bằng hơn, ép Trung Quốc mở rộng thị trường nội địa khổng lồ nước này cho các doanh nghiệp châu Âu.
Sức ép thâm nhập thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên lớn hơn với châu Âu sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và đặc biệt là khi, dưới thời ông Donald Trump, Trung Quốc đã chấp nhận một số nhượng bộ, ký thỏa thuận thương mại với Mỹ và cho phép các công ty Mỹ có những lợi thế nhất định khi hoạt động tại Trung Quốc. Vì thế, châu Âu cần hành động cấp bách để tránh nguy cơ chậm chân và bị gạt ra khỏi thị trường quan trọng nhất thế giới và cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của khối này trong năm 2020.
Đó là lí do mà vào những ngày cuối cùng của năm trước, châu Âu đã bỏ mặc các lời phàn nàn từ phía các quan chức sắp nắm quyền trong chính quyền Biden, gạt cả những lí lẽ phản đối từ một số thành viên như Ba Lan hay các nhóm đấu tranh nhân quyền để hoàn tất Hiệp định đầu tư với Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó đã nói đại ý rằng châu Âu không phải chư hầu để phải chờ Mỹ “bật đèn xanh” còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thì quảng cáo Hiệp định mới “sẽ đem lại cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc lớn chưa từng có” cho các doanh nghiệp châu Âu. Đáng kể hơn, nó còn mang đến cho các doanh nghiệp châu Âu những điều kiện còn thuận lợi hơn các công ty Mỹ.
Việc khai tử Hiệp định đầu tư sẽ là mất mát cho cả châu Âu và Trung Quốc nhưng trong khi Bắc Kinh thể hiện rất rõ qua hành động trả đũa leo thang là họ sẵn sàng chấp nhận thiệt hại thì trong ngày 23/03, không ít nghị sĩ châu Âu giấu tên vẫn bày tỏ rằng họ muốn tách Hiệp định đầu tư khỏi vấn đề chính trị.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc năm 2019. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trong giới kinh doanh châu Âu có một lập luận thường thấy, đó là khi chính quyền Mỹ thời Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vài năm trước, Washington không hề bận tâm đến chuyện nhân quyền. Và dù lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc từ khi nhậm chức, chính quyền Joe Biden cũng chưa hề đả động đến việc từ bỏ thỏa thuận thương mại và các lợi ích đi kèm trước đó.
Vậy, châu Âu nên từ bỏ lợi ích kinh tế “chưa từng có” để bảo vệ các giá trị của mình, để mặc các đối thủ từ Mỹ chiếm miếng bánh lớn của thị trường 1,4 tỷ dân hay học cách sống với thực tế rằng họ không thể có được mọi thứ mà không phải đánh đổi điều gì?
Câu hỏi này có thể khó trả lời hơn gấp bội so với những gì mà các nghị sĩ châu Âu đang nghĩ vào thời điểm này.
Một thực tại mới
Những gì đang diễn ra giữa Trung Quốc và phương Tây nói chung, châu Âu nói riêng, như nhận định của người phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrel là “một tình huống mới”.
Đó là thực tế địa chính trị hiện tại và là cách mà Trung Quốc nhìn nhận thế giới với sức mạnh đang lên của mình.
Đó cũng là thử thách tầm cỡ đầu tiên với Liên minh châu Âu sau một năm 2020 bị vùi dập bởi đại dịch COVID-19 nhưng được coi là đã trưởng thành hơn rất nhiều về mặt địa chính trị, với nhận thức mới về vị trí mà mình cần chiếm lĩnh để có thể tồn tại vững vàng trong cuộc cạnh tranh siêu cường Mỹ-Trung.
(Ảnh minh họa)
Trong năm 2020, Liên minh châu Âu đã định danh Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” nhưng cũng cảnh giác cho rằng Mỹ là đồng minh có thể gây ra tổn hại. Từ nhận thức đó, châu Âu cho rằng khối này buộc phải có tiếng nói mạnh mẽ và sức mạnh cứng đủ lớn thì mới buộc được Trung Quốc tôn trọng và thu về lợi ích.
Đó là các bước đi dẫn đến thái độ cứng rắn nhất của EU với Trung Quốc, sau hơn 3 thập kỷ vốn né tránh việc làm mếch lòng đối tác kinh tế mà khối này cũng tự nhận là có tầm quan trọng sống còn với mình.
Chỉ có điều, vũ khí nhân quyền mà châu Âu sử dụng có thể không phải là một lựa chọn hợp lý, khi Trung Quốc hay nhiều nước khác có những lý lẽ có sức nặng để cho rằng châu Âu hay phương Tây không đủ tư cách để phán xét nước khác.
Thực tại tan hoang tại các vùng đất như Lybia, Syria hay Iraq trong nhiều năm qua sau các cuộc chiến can dự của phương Tây không phải là một ví dụ tốt để minh họa cho mối quan ngại sâu sắc của phương Tây với tình cảnh của người Hồi giáo.
Đại dịch COVID-19 càng làm cho Trung Quốc dị ứng hơn với các lời cáo buộc mang danh “giá trị” khi trong 1 năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị đả kích dữ dội của các chính trị gia và truyền thông phương Tây.
Trong một thế giới đang phân cực sâu sắc với sự dịch chuyển của trung tâm địa chính trị thế giới sang phương Đông, châu Âu có lẽ không thể chỉ đơn giản là yêu cầu Trung Quốc thay đổi như ý muốn của mình mà cũng sẽ phải học cách ứng xử khác đi.
Chỉ không chắc là họ có đó ý thức đủ mạnh để làm được điều đó hay không.
Thomas Gomart, Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), think-tank (viện nghiên cứu chiến lược) có uy tín xếp hạng thứ 3 toàn cầu năm 2020, vừa xuất bản một tiểu luận có tựa đề “Các cuộc chiến vô hình” trong đó đánh giá thế giới hiện chỉ có hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.
Quan trọng hơn, theo Thomas Gomart, Liên minh châu Âu không được thành lập để trở thành một siêu cường trong khi người dân châu Âu thì vẫn nghĩ rằng phần còn lại của thế giới muốn sống như họ.