Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc chuyển cách chống COVID-19 từ kiềm chế lây sang điều trị y tế

(VTC News) -

Trung Quốc đã chính thức chuyển trọng tâm chống dịch từ kiềm chế lây nhiễm sang điều trị y tế, mở đường cho việc mở cửa hoàn toàn biên giới.

Sự chuyển hướng này được đánh dấu bằng việc Trung Quốc ngừng công bố các ca COVID-19 không triệu chứng hàng ngày và triển khai tiêm mũi vaccine nhắc lại thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương vào ngày 14/12, đồng thời yêu cầu tăng cường đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân.

Người dân đi mua sắm tại một trung tâm thương mại ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 11/12. (Ảnh: VCG)

Sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, trong khoảng một tuần qua, số người mắc COVID-19 đã tăng mạnh và gây áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế ở nhiều thành phố lớn. Số người đến các phòng khám sốt ở thủ đô Bắc Kinh đã tăng vọt lên 16 lần trong ngày 11/12, số người gọi điện thoại cấp cứu cũng tăng hơn thường ngày 6 lần. Người bệnh xếp hàng dài nhiều tiếng tại không ít phòng khám sốt ở các bệnh viện.

Trong khi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 13/12 nêu rõ, trọng tâm công tác cần chuyển từ kiểm soát lây nhiễm sang điều trị y tế. Hệ thống y tế địa phương được đẩy lên tuyến đầu trong giai đoạn mới của công tác phòng chống dịch.

Tiếp đó, trong ngày 14/12, Trung Quốc liên tiếp tuyên bố ngừng công bố số ca COVID-19 không triệu chứng hàng ngày và triển khai tiêm mũi tăng cường thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người già và những người mắc bệnh mãn tính, đồng thời yêu cầu tăng cường đảm bảo nhu cầu về thuốc men và chăm sóc y tế cho người dân.

Theo các nhà dịch tễ học, những động thái này cho thấy Trung Quốc đang tập trung nguồn lực củng cố hệ thống y tế, một bước quan trọng để nước này mở cửa trở lại đất nước trong tương lai không xa.

Ông Tăng Quang, nguyên là nhà dịch tễ học trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, khi nói với truyền thông trong nước cho biết, về lâu dài việc quản lý COVID-19 sẽ bị hạ cấp xuống loại C, tức ngang hàng với bệnh cúm, loại bệnh có khả năng lây truyền cao nhưng không cần mọi bệnh nhân đều phải điều trị tại bệnh viện. Ông cho rằng, coi COVID-19 như bệnh cúm và không còn báo cáo cũng như quản lý các trường hợp có triệu chứng nhẹ có nghĩa là nguồn lực y tế sẽ tập trung vào việc cứu các ca bệnh nặng.

Có chuyên gia cũng dự đoán, khi Trung Quốc bước vào thời kỳ di chuyển cao điểm đợt Tết Nguyên đán, dịch bệnh có thể sẽ lan từ các thành phố lớn sang các thành phố cấp ba và bốn, cũng như các huyện thị nhỏ và vùng nông thôn. Đến khi đó, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Tuy nhiên, đáp lại giả thuyết cho rằng hàng trăm nghìn người có thể chết ở Trung Quốc đại lục dựa trên tỷ lệ tử vong của làn sóng COVID-19 thứ 5 bùng phát ở Hong Kong hồi đầu năm, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng, giả định này là không phù hợp, ông “không cho rằng tình trạng này sẽ xảy ra”. Theo ông, khi làn sóng dịch tấn công Hong Kong, chưa đến 20% người trên 60 tuổi ở đây được tiêm phòng đầy đủ. Trong khi đó, 68,86% nhóm người này ở đại lục đã được tiêm nhắc lại tính đến ngày 8/12. Ông nhấn mạnh, tỷ lệ này “mặc dù vẫn chưa đủ, nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn Hong Kong khi đó”.

Bích Thuận (VOV-Bắc Kinh )

Tin mới