Chống dịch một cách rầm rộ và tỉ mỉ
Ở Trung Quốc, việc phát hiện các ca COVID-19 thường kích hoạt việc xét nghiệm axit nucleic diện rộng, có thể trên quy mô toàn thành phố, và việc này lặp lại cho đến khi dịch tại địa phương đó thuyên giảm.
Như tại trường hợp mới nhất là thành phố Thiên Tân (hiện đang vật lộn với đợt bùng phát Omicron mới nhất), giới chức đã tổ chức xét nghiệm rầm rộ toàn thành phố vào ngày 9/1/2022 để xác định mức độ lây nhiễm trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Việc phát hiện các ca COVID-19 thường kích hoạt việc xét nghiệm axit nucleic diện rộng ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Hôm 10/1, chính quyền thành phố Thiên Tân ra thông cáo nói: “Việc xét nghiệm cho 14 triệu người ở siêu thành phố này trong thời gian ngắn nhất có thể là nhiệm vụ không đơn giản chút nào. Chúng tôi làm vậy là để kiểm soát đợt bùng phát này một cách nhanh nhất có thể, bảo vệ sức khỏe và an toàn của nhân dân, và ngăn ngừa virus này lây lan ra những nơi khác, đặc biệt là thủ đô Bắc Kinh”.
Các cư dân nào chưa trải qua xét nghiệm sẽ thấy mã y tế của họ chuyển sang màu vàng trong hệ thống đèn giao thông của ứng dụng (app), ngăn họ không được rời thành phố để vào Bắc Kinh – nơi sắp tổ chức Thế vận hội mùa Đông trong chưa đến 4 tuần nữa.
Mã y tế nói trên cho biết tình trạng COVID-19 của một người nào đó thông qua một ứng dụng đòi hỏi đăng ký bằng tên thật. Mã này thiết yếu đối với Trung Quốc đại lục và phải được người dân trình ra khi vào một địa điểm nào đó hoặc khi đi lại.
Trung Quốc đã tập trung vào phát hiện sớm và thông báo sớm về các ca lây nhiễm, đồng thời xác định chính xác nguồn lây nhiễm thông qua xét nghiệm trong khuôn khổ chính sách “động” không khoan dung với COVID-19. Đặc điểm của chính sách này là truy vết thường xuyên, thời gian cách ly dài, và kiểm soát biên giới chặt chẽ.
Theo một sắc lệnh quốc gia về xét nghiệm diện rộng được công bố vào tháng 9/2021, giới chức y tế địa phương Trung Quốc được yêu cầu xác định quy mô xét nghiệm của mình dựa trên cách thức lan truyền của một đợt bùng phát và các rủi ro từ đó.
Các thành phố Trung Quốc có hơn 5 triệu dân được yêu cầu hoàn thành một vòng xét nghiệm trong vòng 3 ngày và có thể xin trung ương hỗ trợ nếu cần thiết. Các thành phố nhỏ hơn có 2 ngày để làm xong việc này.
Trong giai đoạn đầu của một đợt bùng phát mà chưa xác định được nguồn lây, giới chức có thể tổ chức ít nhất 3 vòng xét nghiệm đại trà. Tần suất và mức độ bao phủ của các cuộc xét nghiệm có thể điều chỉnh dựa trên kết quả của xét nghiệm và truy vết trước đó, theo thông báo trên.
Thông báo còn có đoạn như sau: “Về nguyên tắc, các điểm cách ly và các phố, cộng đồng nào phát hiện các ca nhiễm trong 3 vòng xét nghiệm vừa qua sẽ phải trải qua các cuộc xét nghiệm hàng ngày, còn người ở những khu vực không có ca nhiễm trong 14 ngày qua có thể tiến hành xét nghiệm cứ 5 ngày một lần”.
Thành phố Tây An (nằm ở Tây Bắc Trung Quốc) đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/12/2021. Thành phố này mở liên tiếp các đợt xét nghiệm đại trà mà theo giới chức y tế là để phát hiện các ca bệnh và các trường hợp lây nhiễm không triệu chứng càng sớm càng tốt.
Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Tây An – Wei Xiaoli, nói vào tháng 12/2021 như sau: “Thời kỷ ủ bệnh COVID-19 có nghĩa rằng vài người chưa tích đủ lượng virus để phát hiện thấy vào thời điểm thu thập mẫu xét nghiệm. Một ca bệnh có thể bị bỏ sót nếu việc lấy dịch mũi họng không được tiến hành đúng cách”.
Bà Wei cho biết thêm, với một thành phố 13 triệu dân thì vài vòng xét nghiệm vẫn khó có thể xác định được tất cả các bệnh nhân.
Cảnh sát Trung Quốc gác một con phố bị phong tỏa ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: Weibo)
Đội ngũ y tế lớn và phương tiện đa dạng
Tây An trong các tuần qua đã chiến đấu với một đợt bùng phát đột biến, bắt đầu từ các ca nhiễm tại một khách sạn dùng cho việc cách ly vào đầu tháng 12/2021.
Là trung tâm du lịch, giáo dục và công nghiệp, Tây An có thời điểm ghi nhận tới hơn 150 ca/ngày, và ghi nhận 175 ca nhiễm ở đỉnh dịch vào ngày 27/12/2021. Các ca bệnh mới giảm xuống dưới 100 vào ngày 2/1/2022, lần đầu tiên kể từ Giáng sinh vừa qua, và có xu hướng giảm dần từ đó.
Hôm 10/1, thành phố Tây An bước vào ngày phong tỏa thứ 19. Tuần qua, họ tổ chức đợt xét nghiệm thứ 7. Với dân số khoảng 12,95 triệu, điều đó đồng nghĩa với 90 triệu lần xét nghiệm nữa.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành phố Trung Quốc đều phải tổ chức các đợt xét nghiệm tổng lực khi phát hiện ra các ca COVID-19. Thượng Hải và Bắc Kinh là các ví dụ như vậy.
Zhu Huachen – phó giáo sư Trường Y tế công cộng tại Đại học Hong Kong, cho biết các thành phố hàng đầu của Trung Quốc đều có nhiều kinh nghiệm quản lý bệnh tật hơn và được trang bị tốt hơn, cũng như có nhiều nhân viên y tế hơn.
Phó giáo su Zhu nói: “Chẳng hạn như trường hợp Thượng Hải, thành phố này không cần xét nghiệm diện rộng bởi vì việc truy vết của họ được thực hiện với mức độ rõ ràng rất cao”. Bà này cho biết thêm, thành phố lớn này có khoảng 3.000 điều tra viên dịch tễ học làm việc toàn thời gian – số lượng này là gấp 10 lần con số của Tây An.
Tuy nhiên, theo bà Zhu, nếu việc truy vết không xác định được chuỗi lây nhiễm, việc xét nghiệm bắt buộc sẽ cần phải được mở rộng để lấp đầy khoảng trống thông tin.
Vẫn theo bà Zhu, giới chức địa phương có thể xây dựng các hướng dẫn để kích hoạt việc xét nghiệm đại trà, tùy thuộc vào xu hướng dịch bùng phát và tình hình tài chính của thành phố.
Zhu Huachen thông tin thêm: “Mục tiêu của các thành phố sẽ phải là có các biện pháp phòng ngừa ở các mức độ khác nhau để đương đầu với các đợt bùng phát ở các quy mô khác nhau”. Một tín hiệu về nguy cơ có thể là việc phát hiện các ca nhiễm trong 2 khu vực khác nhau của một thành phố nào đó.
“Thành phố nào mà không có nhận thức này có xu hướng xử lý một cách hỗn loạn hơn đối với các đợt bùng phát. Tình hình ở Tây An vượt khỏi vòng tay là do họ không triển khai các biện pháp trên đối với đợt bùng phát mới nhất”.
Jin Dong-Yan - một nhà virus học cũng tại Đại học Hong Kong, cho biết các thành phố Trung Quốc thường cần nhiều vòng xét nghiệm đại trà đi kèm với các lời kêu gọi người dân không rời khỏi nhà hoặc khu vực của mình, bởi vì bản thân việc xét nghiệm đó cũng có rủi ro làm lây nhiễm bệnh cho nhiều người.
Chẳng hạn, vào tháng 7/2021, 35 người ở thành phố Dương Châu đã bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tới một điểm xét nghiệm COVID-19.
Jin nói, biến thể Omicron có sức lây lan cao cũng khiến việc xét nghiệm diện rộng trở nên khó khăn hơn khi “những người được tiêm chủng có thể có tải lượng virus thấp và xét nghiệm âm tính vào thời điểm 2 hoặc 3 ngày sau khi có kết quả dương tính”.
Không để xảy ra “sóng thần COVID-19” trên lãnh thổ đại lục
Nói đến xét nghiệm diện rộng, các quan chức y tế Trung Quốc thường nói “không để một hộ gia đình và một ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là một nhiệm vụ khổng lồ đòi hỏi không chỉ năng lực xét nghiệm mà còn cả nguồn nhân lực lớn và việc triển khai cũng như quản lý nghiêm ngặt.
Theo chỉ đạo quốc gia, giới chức địa phương Trung Quốc được yêu cầu xét nghiệm lượng dân đông bằng cách chia họ thành các đơn vị nhỏ, như là tòa chung cư, làng mạc, trường học, công ty… cứ thế để không ai bị bỏ sót.
Các quan chức Tây An đã phát động chiến dịch “gõ cửa từng nhà” vào tuần trước để kiểm tra xem liệu 100.000 người sống ở các ngôi làng đô thị - các khu vực nông thôn lọt thỏm trong thành phố, có tham gia xét nghiệm và liệu họ có gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế.
Nhằm đương đầu với nhu cầu xét nghiệm gia tăng trong trường hợp nổ ra dịch, nhiều thành phố Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, và Nam Kinh, đã lập ra các lều tạm đóng vai trò của các phòng xét nghiệm tại các nơi công cộng như sân vận động hay nơi tập thể thao. Một số lều như vậy còn được trang bị máy xét nghiệm tự động.
Tại thành phố Mãn Châu Lý (vùng Nội Mông) – nơi bị phong tỏa sau đợt bùng phát vào cuối tháng 11/2021, giới chức nhanh chóng huy động các phòng thí nghiệm di động và các viện xét nghiệm bên thứ 3 để đẩy nhanh năng lực xét nghiệm từ 12.000 đến 152.000 ống mỗi ngày.
Tại các khu vực dân cư nguy cơ cao, các mẫu dịch được xử lý riêng biệt trong các phòng thí nghiệm. Ở các khu vực khác, người ta dùng phương pháp gom – cho 5 dến 10 mẫu vào một ống, nhằm đẩy nhanh quá trình này.
Jin cho hay, phương pháp gộp này một mặt hỗ trợ các thành phố kẹt về nhân lực và tài lực, mặt khác lại giảm mức độ chính xác của xét nghiệm và tốn thêm thời gian truy vết và xét nghiệm lại cả 10 người (nếu phát hiện có mẫu dương tính), khiến việc cách ly hoặc hạn chế bị kéo dài.
Việc xét nghiệm sâu cũng gây ra các xáo trộn mạnh trong cuộc sống thường nhật và gây thiệt hại cho hệ thống chăm sóc y tế công cộng và tài chính của chính quyền thành phố nhỏ ở tỉnh Giang Tô.
Với mỗi xét nghiệm tổng hợp tốn kém 20 tệ (tương đương 3 USD), thành phố Dương Châu tốn khoảng 3,5 tỷ nhân dân tệ trong 20 ngày cho việc xét nghiệm diện rộng.
Jin đánh giá, Trung Quốc đại lục có diện tích và dân số lớn nên chi phí cho việc kiểm soát COVID-19 sẽ rất cao.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Nhờ vậy y tế công cộng của Trung Quốc được đảm bảo. “Khả năng xảy ra một đợt sóng thần COVID-19 ở đại lục Trung Quốc là rất nhỏ”.