Trước những lời chỉ trích của Australia về hiệp ước an ninh của Trung Quốc với quần đảo Solomon, Bắc Kinh cáo buộc Canberra và các đối tác của họ khuyến khích một "cuộc chạy đua vũ trang" ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Australia, cùng với Mỹ và Anh, tạo thành một khối quân sự trong khu vực và khuyến khích chạy đua vũ trang mà không thảo luận các vấn đề liên quan với các nước châu Đại Dương”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận an ninh được ký kết gần đây giữa Bắc Kinh và quốc gia Thái Bình Dương đang là vấn đề quan tâm của các nhà chức trách Australia. Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố, một căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Solomon sẽ tạo thành “lằn ranh đỏ” đối với Canberra.
Là một quốc gia nhỏ, quần đảo Solomon nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông bắc.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên bác các cáo buộc về việc Trung Quốc thiết lập một chỗ đứng quân sự mới, tuyên bố đó là những "tin tức bịa đặt".
Ông Triệu Lập Kiên cho rằng, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác an ninh là “quyền thiêng liêng của hai quốc gia có chủ quyền” và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông cũng tuyên bố hiệp ước của Trung Quốc với quần đảo Solomon là công khai, minh bạch và không nhắm vào “bất kỳ bên thứ ba nào”. Do đó, người phát ngôn Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Australia nên thay đổi cách tiếp cận “không rõ ràng” hiện nay.
Tuyên bố của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra sau phát biểu vào tuần trước của Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Vị này nói rằng phương Tây “không cần phải lo lắng" về thỏa thuận của đất nước ông với Trung Quốc và nhấn mạnh rằng quốc gia của ông cảm thấy “bị xúc phạm”.
Thủ tướng Manasseh Sogavare cũng tuyên bố, quần đảo Solomon nhận thấy mối đe dọa đối với lợi ích của họ và phải đối phó với nguy cơ “can thiệp quân sự” do các nước phương Tây gây ra.
Trước đó, ông Manasseh Sogavare chỉ trích Australia "đạo đức giả" khi nói đến hiệp ước của Solomon với Trung Quốc. Ông cho rằng Canberra đã không tham khảo ý kiến của các đối tác khác vào năm ngoái khi công bố thỏa thuận AUKUS - một hiệp ước an ninh liên quan đến Australia, Anh và Mỹ, mở đường cho Canberra mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.