"5 lần 7 lượt" đổi số liệu
Hôm 12/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc tuyên bố sẽ thống kê cả những ca bệnh “được chẩn đoán lâm sàng” vào tổng số ca mắc COVID-19. Đây là những bệnh nhân có các triệu chứng của COVID-19, nhưng chưa được làm xét nghiệm, hoặc có kết quả âm tính giả.
Các quan chức Hồ Bắc nói rằng phương pháp nhanh gọn này giúp các bệnh nhân được đưa vào diện cách ly và điều trị, thay vì chờ đợi các xét nghiệm chuyên sâu mất nhiều thời gian.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Vũ Hán. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Trước đó, bệnh nhân chỉ được xác định mắc COVID-19 sau khi kết quả xét nghiệm axit nucleic ra kết quả dương tính với virus. Tuy nhiên, quá trình này tốn khá nhiều thời gian và có trường hợp bệnh nhân phải xét nghiệm tới 4 - 5 lần mới phát hiện nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, việc thay đổi cách tính này khiến số ca nhiễm mới của Trung Quốc tăng gấp 10 lần, lên tới 14.840 ca, tăng gần gấp 10 lần so với 1.638 ca nhiễm mới trong ngày 11/2.
Một ngày sau đó, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết họ phải trừ đi 108 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19, sau khi phát hiện các số liệu ở tỉnh Hồ Bắc bị lặp lại.
Số ca nhiễm bệnh cũng bị trừ đi 1.043 trường hợp từ tổng số ca nhiễm mới ở tỉnh Hồ Bắc sau một "cuộc xác minh" mà Ủy ban này cho biết.
Một tuần sau, chính quyền Hồ Bắc cho biết sẽ bổ sung lại một số trường hợp trong việc kiểm đếm số người nhiễm bệnh tại tỉnh này. Theo đó chỉ công nhận những ca dương tính qua xét nghiệm axit nucleic, trong khi những ca chẩn đoán lâm sàng bằng cách chụp CT chỉ được coi là nghi nhiễm.
Các quan chức Hồ Bắc ngày 21/2 đưa ra kết luận rằng, đó là một sai lầm khi loại bỏ các trường hợp được tính trước đó.
Ngay hôm sau, giới chức Hồ Bắc lại cho biết, họ phải thay đổi số ca nhiễm bệnh vào ngày 19/2. Theo đó, con số chính xác phải là 775 thay 349. Lý do họ đưa ra là "tính toán nhầm".
Tiếp tục tới đầu tháng 4, Trung Quốc tiếp tục đổi cách đếm số bệnh nhân. Nước này cho biết sẽ đưa những người bị nhiễm COVID-19 nhưng không có triệu chứng vào số liệu thống kê về dịch bệnh tại nước này.
Mới đây nhất, hôm 17/4, thành phố Vũ Hán bất ngờ sửa số liệu khiến số người thiệt mạng vì COVID-19 tăng thêm 1.290 trường hợp.
Cụ thể, tính tới hết 16/4, Vũ Hán ghi nhận 3.869 người thiệt mạng vì COVID-19, tăng thêm 1.290 trường hợp, so với con số 2.579 trước đó. Như vậy số người chết ở Vũ Hán tăng gấp rưỡi so với thống kê trước đó.
Số người mắc bệnh cũng tăng thêm 325 trường hợp, lên 50.333.
Trung Quốc giải thích
Giải thích nguyên nhân của việc thay đổi số liệu này, Vũ Hán đưa ra 4 lý do. Thứ nhất, một số bệnh nhân mắc COVID-19 không được điều trị tại bệnh viện mà thiệt mạng tại nhà nhưng được báo cáo.
Thứ hai, nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện do tất bật việc cứu chữa cho bệnh nhân nên báo cáo muộn, sai hoặc có nhầm lẫn.
Video: Kit xét nghiệm COVID-19 Trung Quốc sai lệch kết quả ra sao ở Tây Ban Nha, Czech
Thứ ba, một số bệnh viện điều trị cho các bệnh nhân không liên kết với mạng thông tin dịch bệnh và không báo cáo dữ liệu kịp thời.
Thứ tư, thông tin trên giấy báo tử của bệnh nhân nhiễm bệnh không chính xác.
Một quan chức của cơ quan y tế Vũ Hán cho biết giới chức thành phố đã thành lập một nhóm điều tra dữ liệu và dịch tễ học liên quan tới dịch bệnh.
Nhóm này sử dụng thông tin từ các hệ thống trực tuyến và thu thập dữ liệu từ các địa điểm liên quan tới dịch bệnh để đảm bảo sự minh bạch về mọi trường hợp và mọi con số đều khách quan và chính xác, quan chức này cho biết.
Lãnh đạo thế giới và chuyên gia y tế hoài nghi
"Mọi thứ trở nên rối rắm khi họ thay đổi cách sàng lọc và phát hiện bệnh nhân. Bây giờ ước tính quy mô của dịch bệnh sẽ là mục tiêu di động", Tiến sĩ Peter Rabinowitz, giám đốc Đại học Washington (Mỹ) bình luận trong lần đầu tiên Trung Quốc thay đổi cách tính số ca mắc COVID-19.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng, Mỹ cảm thấy thất vọng vì sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Những con số cứ nhảy lên, có một số đầy bất ngờ", ông này nói thêm.
Tổng thống Trump liên tục hoài nghi về số liệu của Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Trong lần thứ 2 Trung Quốc thay đổi cách thống kê, nhà dịch tễ học người Mỹ gốc Hoa Eric Feigl-Ding cho rằng, đây là vấn đề "hết sức bất thường".
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Jonathan Read tới từ Đại học Lancaster ở Anh nhận định số liệu được thống kê với phương pháp "không nhất quán" khiến các học giả khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về xu hướng dịch bệnh.
Ông Jonathan Read nhấn mạnh, việc thay đổi quá thường xuyên không giúp ích gì cho mục đích theo dõi tình hình.
2 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố gộp thêm các trường hợp không biểu hiện triệu chứng vào số liệu thống kê, Tổng thống Trump mỉa mai rằng, ông không rõ số liệu về dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc ở Vũ Hán có chính xác hay không, vì "không phải là kế toán ở Trung Quốc".
Trước đó vài ngày, các quan chức tình báo Mỹ gửi tài liệu về COVID-19 cho Nhà Trắng, trong đó kết luận rằng, chính phủ Trung Quốc cố tình công bố số liệu "không đầy đủ”. Trong khi 2 quan chức tình báo mà Bloomberg tiếp cận được nói rằng, số liệu mà Trung Quốc công bố là "giả mạo".
Mới đây nhất, khi Trung Quốc thay đổi số liệu, Tổng thống Trump cho rằng, số ca mắc COVID-19 của Trung Quốc "cao hơn nhiều" sau khi Vũ Hán điều chỉnh số liệu, và thậm chí cao hơn ở Mỹ.
Trong khi đó, lãnh đạo Pháp, Anh cũng đặt ra hoài nghi về cách Trung Quốc quản lý khủng hoảng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng là "thật ngây thơ" khi nghĩ Bắc Kinh đã xử lý tốt với đại dịch.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết mối quan hệ với Trung Quốc sẽ "không thể bình thường" như trước sau khi dịch COVID-19 kết thúc.
WHO nói "thay đổi là bình thường"
Hôm 21/2, khi được hỏi về việc Trung Quốc liên tục thay đổi cách tính số ca nhiễm, bà Sylvie Briand, Giám đốc Vụ các bệnh lây nhiễm và dịch bệnh của WHO cho rằng, đây là điều bình thường trong một đợt bùng phát dịch bệnh.
WHO nhiều lần nói rằng các thay đổi của Trung Quốc là bình thường. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Mới đây, WHO cũng khẳng định việc Trung Quốc điều chỉnh số liệu về dịch COVID-19 là "bình thường" và các nước khác có thể làm tương tự để có thống kê chính xác nhất.
"Đây là một nỗ lực nhằm không bỏ sót ca bệnh nào", bà Maria van Kerkhove, chuyên gia về dịch bệnh của WHO cho hay.
Theo bà Kerkhove, ở giai đoạn đầu mùa dịch, giới chức y tế Vũ Hán có thể đã quá tải nên khó tránh khỏi sai sót trong công tác thống kê.
"Thống kê đầy đủ số ca bệnh, số người thiệt mạng là một thách thức vào giai đoạn dịch bùng phát mạnh. Tôi cho rằng, nhiều quốc gia cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự và họ sẽ phải rà soát lại thống kê", bà này nói thêm.