Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn'

(VTC News) -

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, TS Nguyễn Minh Cường, luật sư Nguyễn Thanh Hà tham dự tọa đàm về chủ đề "Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn".

Video: "Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn"

Chiều 27/5, Báo điện tử VTC News, tổ chức Tọa đàm "Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn an toàn". Tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, TS Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc SB Law. 

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng 

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp (DN) đang rất cần vay vốn trung và dài hạn để hồi phục và phục vụ các kế hoạch tăng trưởng. Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ đang là một trong những kênh được các DN coi là phù hợp với mong muốn bổ sung vốn đầu tư phát triển cho DN của mình.

Giai đoạn 2017-2021 thị trường trái phiếu DN tăng trưởng 46%, tuy nhiên 2021 lại tăng trưởng hơn 56%. Điều đó chứng tỏ thị trường này đang tăng trưởng quá nóng. Vì thế, chúng ta cần xem xét để  điều chỉnh hoạt động của thị trường để đảm bảo thị trường trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn. Để đảm bảo không chỉ thị trường trái phiếu có thể hoạt động lâu dài, bền vững, trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt, mà nó cũng đảm bảo cho cả thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển an toàn và bền vững trong tương lai.

Nhìn lại năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720.000 tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020. Trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 137.000 tỷ đồng. Trong đó, mức độ phát hành của các DN bất động sản chiếm 70% trong khi các DN ngân hàng chỉ chiếm khoảng 5%.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá nguồn vốn có được từ trái phiếu bổ sung rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản bị thắt chặt. Trong cơ cấu tín dụng của nền kinh tế có khoảng 57% đến từ ngân hàng, cổ phiếu khoảng 28%, từ trái phiếu chiếm khoảng 13,6% và còn lại từ thị trường bảo hiểm.

“Nguồn vốn để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản dựa vào huy động trái phiếu rất lớn. Trong bối cảnh đó, những biến động của thị trường trái phiếu sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang dựa nhiều vào nguồn vốn trái phiếu”, ông Cường nói. Vẫn theo ông Cường, do tác động của dịch COVID-19, trong hai năm qua, không riêng ở Việt Nam, mà cả trên thế giới, thị trường trái phiếu đều có sự tăng trưởng nóng.

Phát triển bền vững trái phiếu doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thời gian qua, việc xử lý một số DN vi phạm quy định đã làm cho thị trường rúng động hơi quá. Bởi trong tháng 4/2022, khi chúng ta bắt đầu xử lý các DN phát hành trái phiếu không đúng và có những động thái kiểm tra, giám sát chặt hơn thì lập tức cả tháng 4/2022, chúng ta chỉ phát hành được 30.000 tỷ đồng. Uớc tính cả tháng 5/2022, chúng ta chỉ phát hành được 17.000 tỷ đồng trái phiếu DN. Con số đã sụt giảm một cách rất đáng kể.

“Rõ ràng chúng ta cần phải xem xét lại cách thức quản lý cũng như các điều kiện chúng ta đưa ra. Xem xét lại việc chấn chỉnh lại thị trường sao cho đúng, tránh sự tiêu cực lây lan đến thị trường trái phiếu là điều rất cần thiết và quan trọng”, ông Thịnh cho biết.

Mặc dù vậy, theo ông Thịnh, động thái của nhà nước về thanh lọc thị trường, trấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu là cần thiết và kịp thời. Thực tế đã có những DN lợi dụng lỗ hổng để phát hành các trái phiếu không đảm bảo dẫn đến các hệ lụy rất nghiêm trọng.

Khẳng định việc cần thiết phải xử lý những hành vi vi phạm pháp luật để làm trong sạch thị trường trái phiếu. Nhưng theo TS Nguyễn Minh Cường, không nên can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính.

“Tất nhiên biện pháp hành chính vẫn là rất cần thiết nhưng không phải để can thiệp vào quan hệ cung - cầu mà để xử lý các hành vi mang tính lừa đảo, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Thị trường cần hoạt động theo quy luật cung – cầu, phải xây dựng cơ chế để thị trường tự điều chỉnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Để thị trường trái phiếu minh bạch, theo ông Cường trước hết bản thân nhà đầu tư phải nâng cao kiến thức, không chạy theo lãi suất mà bỏ qua sự an toàn. Thứ nữa, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để thị trường có thể phát triển lành mạnh, bền vững. Về lâu dài cần tập trung cải tổ cơ cấu kinh tế, tạo môi trường minh bạch để doanh nghiệp phát triển.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trong điều kiện hoàn cảnh của kinh tế hiện nay, chúng ta muốn thúc đẩy thị trường thì chỉ bằng cách để thị trường tự phát triển và việc ban hành các chính sách sẽ hỗ trợ cho thị trường trở nên tốt hơn. Chúng ta vừa làm, vừa điều chỉnh và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có thị trường trái phiếu phát triển nhiều năm.

"Trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta chỉ vì 1-2 vụ việc mà siết thì theo tôi là không nên. Những vụ việc đó chỉ là những dấu hiệu cảnh báo, những căn bệnh ung nhọt của thị trường khi nó chưa tốt", Giám đốc  Công ty luật SB Law nói.

Từ những sự kiện đấy, chúng ta cần nhìn một cách tích cực, đó là cần phải ban hành những chính sách về mặt khuôn khổ pháp lý để cho thị trường tốt lên. Và bên cạnh đó, từ sự việc này kiến thức của nhà đầu tư cũng được nâng lên. Bởi nhà đầu tư là yếu tố quan trọng nhất trong thị trường vốn, họ mới là người quyết định bỏ vốn vào thị trường.

Chúng ta nên nhìn nhận những sự việc theo hướng tích cực để thanh lọc tìm ra một thị trường trong sạch, minh bạch và tốt hơn chứ không phải một nút thắt của thị trường.

Nhóm PV

Tin mới