Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture

(VTC News) -

Giải thưởng chính trao cho 3 nhà khoa học: Vatalin Kariko, Drew Weissman và Pietter Rutter Cullis với công nghệ nghiên cứu vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người.


(Nguồn: VinFuture Prize )

21h53: Sự kiện kết thúc

21h30: Công bố giải thưởng chính

Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu đô la Mỹ được trao cho ba người GS Kariko, GS Weissman và GS Pieter R. Cullis với công trình đặc biệt về vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA.

 

 

 

21h17: Giải đặc biệt thứ 3 dành cho nhà khoa học ở các nước đang phát triển

Đó là vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và GS Salim Abdool Karim.

GS Salim Abdool Karim phát biểu: “Thật vinh dự khi được có mặt tại đây. HIV là thách thức hàng ngày trong cuộc sống của chúng tôi. Với chúng tôi, nghiên cứu này tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi cố gắng làm điều này hết sức mình. Giải thưởng không chỉ dành cho vợ chồng tôi mà đây là tia sáng hy vọng dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển đang làm việc miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tạo ra điều khác biệt tốt hơn cho thế giới.

GS Quarraisha Abdool Karim chia sẻ: Tôi cũng rất vinh dự và gửi lời cảm ơn tới Hội đồng giải thưởng VinFuture đã ghi nhận cố gắng của chúng tôi trong nghiên cứu. Tất cả đội ngũ 260 thành viên trong nhóm nghiên cứu từ 5 châu lục khác nhau, hàng ngàn tình nguyện viên trong nghiên cứu lâm sàng của chúng tôi đã tham gia suốt 3 thập niên vừa qua.

GS Salim Abdool Karim

GS Quarraisha Abdool Karim.

21h00: Nhà khoa học nữ đoạt giải

Giải thưởng xướng danh GS Zhenan Bao, nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc. 

GS Zhenan Bao. 

Giáo sư tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.

“Tôi thấy rất vinh dự là người đầu tiên nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ. Tôi trân trọng cảm ơn Giải thưởng VinFuture và Hội đồng Giải thưởng. Trong suốt quá trình học thuật của tôi, tôi đã nỗ lực cho những phát kiến về mặt khoa học để thay đổi tích cực cuộc sống của chúng ta. Với các sinh viên và người cộng tác, tôi trân trọng cảm ơn họ. Giải thưởng này là dành cho tất cả chúng ta.

Ngoài ra, tôi có mặt ở đây cũng nhờ rất nhiều sự hỗ trợ, dìu dắt. Xin cảm ơn gia đình, chồng tôi đnag trong khán phòng hôm nay. Tôi xin cảm ơn Hội đồng giải thưởng đã nhận thấy sự hiện thực hóa trong nghiên cứu da điện tử", nữ giáo sư chia sẻ.

Nữ giáo sư mong các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục dùng các nhà nghiên cứu của mình để giải quyết các thách thức toàn cầu. Bà cũng mong xã hội sẽ hỗ trợ thêm cho các nhà khoa học nữ.

20h48: Công bố giải thưởng đầu tiên

GS Omar M. Yaghi - chủ nhân Giải đặc biệt cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới”. Ông là nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California-Berkeley (Mỹ).  

GS Omar M. Yaghi.

Ông cũng là nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu các cấu trúc có kích thước phân tử và nano cùng ứng dụng của các vật liệu này. Ông là nhà hóa học đứng thứ 2 trong tốp 100 nhà hóa học hàng đầu thế giới của thập kỷ vừa qua.

Giáo sư Omar M. Yaghi đã có nhiều đóng góp cho nền khoa học thế giới, đặc biệt là có công rất lớn trong việc đi đầu, phát minh và tổng hợp các vật liệu MOF và ZIF. 

GS. Omar Yaghi (Mỹ) chia sẻ: “Thực sự đây là vinh dự lớn. Tôi rất cảm kích, vinh dự khi được nhận giải thưởng này. Xin cảm ơn Quỹ VinFuture và các thành viên Hội đồng Giải thưởng đã trao cho tôi vinh dự này. Tôi quá xúc động. Tôi cho rằng giải thưởng cũng như Quỹ là ý tưởng rất tuyệt vời với thông điệp rất mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn và sự hào phóng của sáng lập viên cũng như Việt Nam với mong muốn có được một thế giới tốt đẹp hơn.

Với xuất thân từ 1 gia đình người tị nạn, tôi thấy cơ hội tôi thành công rất ít ỏi và cách vượt qua khó khăn này không chỉ là làm việc chăm chỉ mà còn biết nói không với người bảo chúng ta rằng “Không ổn đâu”. Và quan trọng là chúng ta hãy quan sát xung quanh, chúng ta sẽ có cách nhìn nhận tốt hơn mọi người. Những cơ hội nhỏ vẫn có thể là cơ hội cho sự thành công”.

20h25: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào mừng các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã đến Việt Nam, với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Thủ tướng chia sẻ, hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng chống COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. "Chúng ta có mặt ở đây an toàn, bình yên, cũng nhờ các nhà khoa học, nhờ vaccine", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.  Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sứ mệnh của Giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai.

"Tôi rất vui mừng được biết, ngay trong mùa giải đầu tiên, VinFuture ghi nhận sự tham gia từ 60 quốc gia với gần 600 dự án tranh giải, trong đó gần 100 dự án đến từ top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới và hơn 1/3 ứng viên là nhà khoa học nữ. Nhiều người trong số họ từng nhận được các giải thưởng khoa học cao quý của thế giới. Giải thưởng Vinfuture được xét duyệt nghiêm túc, trách nhiệm bởi 2 Hội đồng độc lập với thành viên là các nhà khoa học, nhà phát minh, chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực trên thế giới. Đây thực sự là tín hiệu tích cực của một giải thưởng lớn và uy tín", Thủ tướng nói.

20h17: Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture phát biểu

Giáo sư Sir Richard Henry Friend cho biết, Giải thưởng tôn vinh những phát minh khoa học công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu, ảnh hưởng thế giới. Hoan nghênh tầm nhìn của VinFuture.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, ông cho biết rất vui khi được làm việc với đội ngũ trẻ xuất sắc và tận tâm, những người đã phát triển một hệ thống vận hành chuyên nghiệp. Đội ngũ VinFuture làm việc không biết mệt mỏi để xác định và liên hệ với số lượng lớn cá nhân/tổ chức đề cử giải thưởng, từ khắp các châu lục và từ tất cả các lĩnh vực đổi mới. Hội đồng đã nhận được gần 600 đề cử - đây là một thành tích ấn tượng, vượt xa mức đề cử của nhiều giải thưởng quốc tế danh tiếng. 

Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture - ông Richard Henry Friend. (Ảnh: Hà Cường)

Chủ tịch Hội đồng giải thưởng nêu, Việt Nam là quốc gia trẻ, lạc quan và sáng tạo, có tầm nhìn về một xã hội có giáo dục, lành mạnh và thịnh vượng. "Thật tuyệt vời khi thấy sự nhiệt tình thẳng thắn đối với khoa học và sự đổi mới, cũng như sự đánh giá thẳng thắn những lợi ích mà nó có thể mang lại", ông nói.

Ở phương Tây, người ta thường có xu hướng phân biệt giữa khoa học nền tảng thuần túy và khoa học ứng dụng. Khoa học thuần túy thường được coi là đỉnh cao, và chúng ta có thể bỏ qua sự sáng tạo và xuất chúng ẩn sau nhiều công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta. Tôi nghĩ khoa học và công nghệ có mối quan hệ cộng sinh - các công cụ mới do các kỹ sư phát triển nên thường cho phép chúng ta thực hiện các quan sát mới đòi hỏi các mô hình và lý thuyết mới. Điều này đã đúng với Galileo, người đã dựa trên phát minh về kính đọc sách của người Hà Lan để chế tạo kính thiên văn, cho đến ngày nay, khi chúng ta nóng lòng chờ xem kính viễn vọng không gian James Webb thiết lập lại sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ như thế nào.

Quay trở lại với các vấn đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thế giới phải đối mặt với những thách thức toàn cầu trên nhiều phương diện. Giải quyết các vấn đề này sẽ thử thách sự và khả năng thay đổi của chúng ta, nhưng có nhiều cơ sở để lạc quan. "Chúng ta cần tôn vinh mối liên hệ giữa sự đổi mới có tầm nhìn xa và tác động thực sự mà nó có thể mang lại đối với một toàn cầu bền vững. Giải thưởng VinFuture đã nhận trọng trách và thử thách này", Giáo sư Sir Richard Henry Friend nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự buổi lễ

Buổi lễ với sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chủ tịch tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân cũng có mặt ở buổi lễ.

20h10: Chương trình bắt đầu.

Lễ trao giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu VinFuture hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất, công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người, thu hút sự chú ý của giới khoa học thế giới đến với Việt Nam.

Chủ nhân của bốn giải thưởng sẽ được xướng tên. Trong đó, VinFuture vinh danh hạng mục giải chính trị giá 3 triệu USD (giá trị lớn gần gấp 3 lần Nobel) cho tác giả của nghiên cứu đột phá. Ba giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho nhà khoa học có phát minh sáng chế tiên phong trong lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và người đến từ nước đang phát triển.

VinFuture - Khoa học phụng sự nhân loại

Chia sẻ trước lễ trao giải, giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ, giải thưởng năm nay dựa vào 2 tiêu chí cốt lõi. Thứ nhất là tính đổi mới sáng tạo thực sự rõ nét. Thứ hai là mang lại lợi ích xã hội to lớn. Đây cũng là giá trị cốt lõi mang lại nét đặc trưng tạo ra nét đặc biệt của giải thưởng VinFuture với các giải thưởng khác trên thế giới.

"Để tìm ra được chủ nhân 4 giải thưởng lớn năm nay, ban tổ chức và hội đồng giải thưởng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đã tìm kiếm trên phạm vi toàn thế giới để có được những hồ sơ ứng tuyển, những ứng viên xuất sắc nhất. Đó quả thực là khối lượng công việc khổng lồ, và để làm được thì cần đội ngũ nhân sự chất lượng tham gia tổ chức giải thưởng", ông nói.

Hội đồng giải thưởng VinFuture.

Bản thân ông đánh giá cao đội ngũ này bởi họ làm việc rất chuyên nghiệp. Xuất phát điểm từ con số 0, sau vài tháng phát động hàng ngàn ứng viên, công trình nộp đơn tham gia.

Theo ông, sứ mệnh của khoa học - công nghệ là làm sao kết nối để mang lại những lợi ích cho xã hội. Đây có vẻ như là điều tất nhiên nhưng khoảng 100 năm trở lại đây dần bị lãng quên. Nhiều người lầm tưởng khoa học chỉ là nghiên cứu thuần túy và vẫn chưa để ý tới khía cạnh mang lại lợi ích cho xã hội.

Trong khi đó, ý tưởng của VinFuture là kết nối, hỗ trợ những phát kiến khoa học công nghệ để mang lại lợi ích cho xã hội. Ông đánh giá ý tưởng này hết sức tuyệt vời. Ông thấy hân hạnh khi được tham gia từ đầu và chứng kiến toàn bộ quá trình phát triển của giải thưởng VinFuture.

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture.

VinFuture là giải thưởng khoa học toàn cầu, do đó Hội đồng Giải thưởng phải mang tính đại diện ở cấp độ toàn cầu. Trong quá trình xét giải, hội đồng không ưu tiên bất cứ quốc gia nào hay nhà khoa học nào, kể cả các công trình, nhà khoa học ở Việt Nam cũng không được ưu tiên. Tiêu chí của hội đồng giải thưởng là đổi mới, sáng tạo và cân đối với những lợi ích mang lại cho xã hội, từ đó quyết định xem giải thưởng sẽ thuộc về nhà khoa học nào.

Giải thưởng VinFuture muốn gửi đi thông điệp mạnh mẽ với thế giới: "Những thế hệ tới đây của Việt Nam sẽ thịnh vượng, tràn đầy niềm tin và tự tin, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển của đổi mới sáng tạo".

 "Tôi rất mong VinFuture sẽ trở thành giải thưởng toàn cầu về lâu dài. Để mang lại những giá trị lớn hơn cho khoa học và nhân loại", ông Sir Richard Henry Friend nhấn mạnh.

Lễ trao giải VinFuture là hoạt động thường niên của quỹ VinFuture trao cho 4 công trình khoa học trên thế giới. Trong đó giải cao nhất (giải thưởng chính) trị giá 3 triệu USD, 3 giải còn lại (giải đặc biệt) trị giá 500.000 USD. Không chỉ giá trị tiền lớn mà giải thưởng VinFuture cũng giúp nâng cao tiếng nói của các nhà khoa học nữ và các nhà khoa học tới từ các quốc gia đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực mới.

Quỹ VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân, với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới.

VinFuture, ra mắt ngày 20/12/2020, là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Hoạt động cốt lõi của quỹ này là trao giải thưởng VinFuture hằng năm cho các phát minh khoa học - công nghệ đột phá đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.

Ngay trong năm đầu tiên phát động, hội đồng giám khảo đã nhận được 599 dự án chất lượng từ hơn 60 quốc gia tại 6 châu lục trên khắp thế giới. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Tang, Japan Prize...

Hằng năm quỹ sẽ trao 4 giải thưởng: giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD - một trong các giải thưởng thường niên giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Phạm Quý - Hà Cường

Tin mới