Video: Lễ trao giải báo chí 'Giảm ô nhiễm nhựa đại dương' năm 2022
Dự lễ trao giải có lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, UNDP Việt Nam, WWF Việt Nam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan Báo chí, các tác giả đoạt giải.
Phóng sự “Cuộc chiến rác thải nhựa” của nhóm tác giả Đỗ Thị Hòa - Phạm Ngọc Phức thuộc VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam, giành giải Nhất của cuộc thi.
Tác phẩm “Gỡ khó phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hạnh - Phạm Hồng Mạnh (Báo Tuổi trẻ Thủ đô) giành giải Nhì.
Các tác giả đoạt giải Ba của cuộc thi.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải Khuyến khích.
Phát biểu tại lễ khai mạc lễ trao giải báo chí “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương” và Cuộc thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nhận xét, giải lần thứ nhất đã tạo ra tiếng vang lớn, mang thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng và xã hội về bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương từ việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Tiếp nối thành công đó, giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương 2022” tiếp tục được tổ chức nhằm thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.
Ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, phát biểu tại lễ trao giải báo chí "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương" năm 2022.
"Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại. Tuy nhiên, hệ sinh thái, môi trường biển đang bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa. Thậm chí, rác thải nhựa còn xuất hiện trong loài cá sống sâu nhất của đại dương... Điều đó đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại. Nhiều loài sinh vật biển quý hiếm đã bị tuyệt chủng, và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nhiều loài tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời.
Đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc, mọi cộng đồng và mỗi người dân cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, vì an toàn, hòa bình và phát triển bền vững", ông Ngô Minh Hiển nhấn mạnh.
Đứng trước thực tại trên cùng mối quan tâm chung của toàn cầu, năm nay, bên cạnh giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương”, Ban tổ chức cũng phát động cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”.
Đây không chỉ là sự động viên đối với các nhiếp ảnh tham gia chụp ảnh trong lĩnh vực môi trường, mà còn là động lực để mọi người cùng chung tay hơn nữa đối với công tác truyền thông tới người dân ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống.
Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” và cuộc thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” thu hút được sự quan tâm của cộng đồng và xã hội, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc, quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí và các tổ chức quốc tế trong vấn đề bảo vệ môi trường.
"Tôi xin được chúc mừng các cơ quan báo chí, các tác giả được trao giải ngày hôm nay. Đó là một sự vinh danh xứng đáng, sự động viên khích lệ tinh thần lao động, yêu nghề, lăn xả và cống hiến vì cộng đồng và xã hội, bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, sâu sát với cơ sở, với nhân dân của các nhà báo sau những ngày tháng gian nan để cho ra những tác phẩm ấn tượng. Đây cũng là một dịp ghi nhận, cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân khu vực ASEAN trong những năm qua đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Tôi tin tưởng rằng, Giải báo chí 'Giảm ô nhiễm nhựa đại dương' tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo với sự tham gia mạnh mẽ của nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan báo chí nhằm khẳng định mạnh mẽ vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường biển", Phó Tổng Giám đốc VOV chia sẻ.
Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chia sẻ tại lễ trao giải báo chí "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương" năm 2022.
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh “tất cả chúng ta đều chia sẻ trách nhiệm trong việc ứng phó với ô nhiễm môi trường biển. Chúng ta cần suy nghĩ toàn cầu và hành động tại địa phương. Người tiêu dùng hãy nói không với nhựa dùng một lần. Nếu không thể sử dụng lại sản phẩm nhựa đó, chúng ta nên từ chối nó. Những thay đổi nhỏ mà chúng ta thực hiện trong cuộc sống hàng ngày này sẽ tạo ra tác động lớn”.
Ông Bill Possiel, Giám đốc Bảo tồn của WWF-Việt Nam, chia sẻ tại lễ trao giải.
Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News, phát biểu.
Ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News, chia sẻ so với năm ngoái, năm nay, số lượng và chất lượng các bài dự thi đều cao hơn, các tác phẩm được đầu tư quy mô, bài bản cả về nội dung và hình thức thể hiện. Trong đó, một số bài dự thi xây dựng thành phóng sự truyền hình, emagazine, nhiều bài dự thi được viết thành nhiều kỳ công phu.
"Khi tham gia tác nghiệp, các nhà báo đã hóa thân thành nhân viên môi trường, nhà quản lý môi trường, nhà nghiên cứu môi trường để tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương. Đây là tâm huyết, trách nhiệm của người làm báo và là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống.
Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa không có biên giới, nguy cơ khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu đang ngày càng hiện rõ. Do đó, chúng ta cần có cách giải quyết tích cực hơn dựa trên sự hợp tác quốc tế. Vì vậy, năm nay, bên cạnh giải báo chí, Ban tổ chức phát động Cuộc thi ảnh khu vực ASEAN 'Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển' nhằm hướng đến việc truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của cộng đồng các nước trong khu vực ASEAN", ông Ngô Văn Hải nói.
Sau 3 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm báo chí đến từ 19 tỉnh, thành với 70 cơ quan báo, tạp chí và 145 tác giả, nhóm tác giả. Cùng đó là hơn 7.500 tác phẩm ảnh của hơn 2.700 tác giả từ các nước ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia).
Trong đó, nhiều tác phẩm của các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở tham gia. Các tác phẩm dự thi rất đa dạng chủ đề, phản ảnh tốt thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Từ 44 tác phẩm báo chí và hơn 100 tác phẩm ảnh vào vòng chung khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 13 tác phẩm xứng đáng nhất để trao giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022 và 11 tác phẩm ảnh được trao giải Cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng phát biểu tại buổi lễ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất toàn cầu, được chính phủ các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm.
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và chính quyền địa phương đã phối hợp các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể.
Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền, thay đổi nhận thức, giúp người dân hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa đại dương, đồng thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về vấn đề này.
"Hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về phòng chống ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được triển khai tích cực, đạt hiệu quả cao. Báo chí đã thực sự vào cuộc, phản ánh toàn diện, trung thực, khách quan, phong phú, sinh động, đa chiều và kịp thời các vấn đề về môi trường, đồng thời cũng là một kênh thông tin quan trọng làm tốt chức năng phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quản lý nhà nước về môi trường nói chung, môi trường biển và rác thải nhựa đại dương nói riêng.
Sự thành công của giải báo chí 'Giảm ô nhiễm nhựa đại dương' và Cuộc thi ảnh 'Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển' một lần nữa khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế và của chính đồng nghiệp đối với các nhà báo lĩnh vực môi trường. Đây chính là nguồn động lực cổ vũ để phát huy hơn nữa vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường biển và giảm thải rác thải nhựa đại dương", bà Phạm Thu Hằng chia sẻ.
Dự lễ trao giải có lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, UNDP Việt Nam, WWF Việt Nam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan Báo chí, các tác giả đoạt giải.
Giải báo chí về “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” và Cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” lần thứ nhất do Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF – Việt Nam), và Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương tại Việt Nam” - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức.
Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” được tổ chức thường niên từ năm 2021, với mục tiêu tuyên truyền thay đổi nhận thức về vấn đề môi trường nhức nhối hiện nay: Ô nhiễm nhựa đại dương. Đây là sự ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương. Qua đó, phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác truyền thông giảm ô nhiễm nhựa đại dương, cải thiện chất lượng, hình thức các sản phẩm báo chí, truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, góp thêm tiếng nói quan trọng thúc đẩy hành động thiết thực của từng cá nhân, doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng để cùng giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Trong khi đó, cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” được tổ chức nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân khu vực ASEAN trong những năm qua đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương. Cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân trong nước và khu vực có những hành động thiết thực để giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Giải báo chí quy tụ được 312 tác phẩm báo chí của 70 tác giả từ 19 tỉnh thành phố trong cả nước tham dự. Ở Cuộc thi ảnh, Ban tổ chức đã nhận được hàng nghìn tác phẩm và trong số đó hơn 7.500 tác phẩm ảnh của hơn 2.700 tác giả từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Campuchia) được lựa chọn vào vòng chấm sơ khảo.
Các tác phẩm tham gia Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022 được ban tổ chức đánh giá cao, cả về chất lượng lẫn hình thức. Những tác phẩm đạt giải đều có câu chuyện đặc biệt về vấn đề môi trường, nỗi lòng của người dân trước vấn nạn rác thải nhựa tràn lan. Các tác phẩm không chỉ phản ảnh thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa còn đưa ra những giải pháp giúp chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc ngăn chặn và tái chế các sản phẩm từ nhựa.
Giải nhất cuộc thi ảnh được trao cho tác phẩm “Plastic” của tác giả Winniwat Traitongtanarat (Thái Lan). Giải nhì thuộc về bộ ảnh “Du khách nước ngoài dọn rác sau bão Noru ở Hội An” của tác giả Phạm Đăng Khiêm (Việt Nam) và tác phẩm “The Plastic sea grass” của tác giả Sirilert Phonsin (Thái Lan).
Giải ba được trao cho các tác phẩm sau: “Biển cạn” của tác giả Hoàng Ngân Hạnh (Việt Nam), “Fish or Plastic” của tác giả Huỳnh Thanh Huy (Việt Nam), “Tái chế” của tác giả Nguyễn Trọng Dương (Việt Nam).
Giải khuyến khích thuộc về các tác phẩm “Non-Organic Waste That Blocking the Singkawang River Flow” của tác giả Sutomo (Indonesia), “Khi mùa lũ đi qua” của tác giả Nguyễn Văn Hải (Việt Nam), “Bộ đội Hải quân chung tay làm sạc biển ở khu vực cảng cá Đồ Sơn, Hải Phòng” của tác giả Vũ Văn Hưởng (Việt Nam), “Rác thải nhựa trên biển Kiên Giang” của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Việt Nam), và bộ ảnh “Nỗi ám ảnh của Đại Dương” của tác giả Đào Đặng Công Trung (Việt Nam).
Các tác phẩm đạt Giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương” 2022
GIẢI NHẤT
Phóng sự “Cuộc chiến” rác thải nhựa” của nhóm tác giả Đỗ Thị Hòa - Phạm Ngọc Phức thuộc VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam.
GIẢI NHÌ
1. Tác phẩm “Gỡ khó phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hạnh - Phạm Hồng Mạnh thuộc Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô.
2. Loạt 2 bài: "Giảm ô nhiễm nhựa đại dương: Từ hành động nhỏ đến khát vọng xanh" của tác giả Hồ Minh Vân thuộc Báo Bình Thuận
GIẢI BA
1. Loạt bài: Thực hiện trách nhiệm với môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững của Nguyễn Hồng Quân – Nguyễn Hồng Nam thuộc Báo điện tử VTC News.
2. Loạt 2 bài: "Thay đổi ứng xử với rác thải trên biển và đại dương" của nhóm tác giả Hồ Thanh Hiếu- Nguyễn Thanh Thắng thuộc Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam - khu vực Miền Trung, đăng trên Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam
3. Loạt bài: Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: Nước mắt của biển và hành động của chúng ta của tác giả Trần Thị Hường thuộc Báo Công Thương.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH
1. Tác phẩm “Nỗi lòng người lao công sau ngày đông nghẹt khách du lịch ở Quy Nhơn” của tác giả Nguyễn Mạnh Hiếu thuộc Báo điện tử VTC News.
2. Loạt 3 bài: Thiệt hại dây chuyền từ nạn xả rác tràn lan của nhóm tác giả Lâm Sơn Vinh - Nguyễn Phương Thanh thuộc Báo điện tử Phụ nữ TPHCM.
3. Tác phẩm “Nguy cơ đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá: Thế giới cần thay đổi” của nhóm tác giả Nông Hoài Châu - Phạm Hồng Mạnh thuộc Báo điện tử Tuổi trẻ Thủ đô.
4. Loạt 3 bài: "Cứu biển khỏi rác thải nhựa" của nhóm tác giả La Quang Duy - Nguyễn Hoài Anh thuộc Báo Quân đội Nhân dânViệt Nam.
5. Loạt bài: Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho công cụ tái chế, thu gom bắt buộc như thế nào? của tác giả Phạm Ngọc Sơn thuộc Tạp chí điện tử Nhà Quản Trị - TheLEADER.
GIẢI PHỤ
1. Chùm bài 4 kỳ: "Sức khỏe của đại dương đang gặp nguy hiểm" của nhóm tác giả Phạm Hữu Quang - Lê Thị Bích Ngọc - Phạm Thị Thuý - Lưu Diệu Linh - Bùi Huy Vũ thuộc Tạp chí điện tử Ngày nay.
2. Tác phẩm “Ông lão 75 tuổi hàng chục năm ra biển dọn rác”của nhóm tác giả Lê Thị Kim Liên - Nguyễn Khắc Trung - Hoàng Việt Bảo thuộc Truyền hình Quốc hội Việt Nam. (Link: https://www.quochoitv.vn/ong-lao-75-tuoi-hang-chuc-nam-ra-bien-don-rac).