Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Toàn cảnh lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden

(VTC News) -

Lễ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Joe Biden diễn ra vào 11h30 theo giờ Washington DC, tức 23h30 theo giờ Việt Nam.

23h53: Ông Joe Biden có bài phát biểu đầu tiên trong vai trò Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi lên bục đọc diễn văn nhậm chức, bài phát biểu đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống.

Sau khi cảm ơn những người có mặt tại lễ nhậm chức, ông Biden nói: “Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày của dân chủ”.

Tân Tổng thống Mỹ đề cập đến vụ tấn công bạo lực vào Điện Capitol hai tuần trước, nhấn mạnh giá trị của nền dân chủ Mỹ. “Chúng ta đã học được một lần nữa rằng nền dân chủ rất quý giá”, vị tân Tổng thống Mỹ nói. "Và vào lúc này, các bạn của tôi, dân chủ đã thắng thế".

Ông Biden đọc diễn văn nhậm chức. (Ảnh: CNN)

Nhấn mạnh ngày nhậm chức là "lễ kỷ nhiệm của nền dân chủ", Biden khẳng định "ý chí của người dân đã được lắng nghe". 

"Đây là ngày của nền dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng, của đổi mới và quyết tâm. Nước Mỹ đã được kiểm tra và nước Mỹ đã vượt qua thử thách. Đây là ngày của nước Mỹ", vị tân Tổng thống khẳng định.

Ông cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức sắp tới của Mỹ khi đất nước trải qua "mùa đông nguy hiểm" giữa đại dịch và nhiều loại bệnh khác. "Chúng ta sẽ tiến về phía trước với tốc độ và sự khẩn trương. Chúng ta còn nhiều việc phải làm trong mùa đông nguy hiểm này", ông nói, lưu ý rằng những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt là lịch sử.  Biden khẳng định COVID-19 vẫn đang "âm thầm theo sát nước Mỹ" và nhiều người Mỹ đã chết vì dịch bệnh hơn là số người thiệt mạng trong Thế chiến I.

23h48: Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức

Ông Joe Biden vừa tuyên thệ nhậm chức dưới sự chứng kiến của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts.

Vào trưa theo giờ địa phương, ông Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Đặt tay lên cuốn Kinh thánh có tuổi đời 127 năm, do chính vợ của ông - bà Jill Biden, cầm, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. 

 

Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí Tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ”, ông Biden tuyên thệ.

23h40: Phó Tổng thống Kamala Harris tuyên thệ

 

Kamala Harris vừa tuyên thệ nhậm chức. Vào 12 giờ trưa theo giờ địa phương, bà Harris chính thức trở thành nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Bà đã tuyên thệ nhậm chức trước Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.

23h30: Trump ban hành lệnh ân xá vào phút cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống

Tổng thống Donald Trump ban hành thêm một lệnh ân xá trong những phút cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống. "Hôm nay, Tổng thống Donald J. Trump đã ân xá toàn bộ cho Albert J. Pirro, Jr.", phó thư ký báo chí Judd Deere cho biết trong một tuyên bố tổng hợp. 

Albert Pirro là chồng cũ của Thẩm phán Jeanine Pirro, một đồng minh của Tổng thống Trump và một người dẫn chương trình cá tính của Fox News. Ông bị kết án về tội trốn thuế. Trong khi đó, buổi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden bắt đầu với phát biểu của Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar

23h11: Tổng thống đắc cử Joe Biden bước ra lễ đài

Ông Biden và phu nhân. (Ảnh: CNN)

Vài phút sau bà Harris, ông Biden và phu nhân bước ra lễ đài trong tiếng hò reo của các đại biểu. Chánh án John Roberts sẽ chứng kiến ông Biden tuyên thệ. 

Tổng thống Trump xem lễ nhậm chức trên đường đến Florida

Một người trên chuyến bay với Tổng thống Trump nói với CNN rằng Tổng thống đã theo dõi quá trình lễ nhậm chức trên đường đến Palm Beach, Florida.

Ông Trump đã rời Không lực Một ngay sau khi Phó Tổng thống Mike Pence bước vào buổi lễ tại Điện Capitol, nơi ông Joe Biden sắp tuyên thệ nhậm chức.

23h10: Bà Harris sắp tuyên thệ nhậm chức

 

Bà Harris có mặt trên lễ đài, nơi sẽ diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức. Xuất hiện cạnh bà là phu quân Doug Emhoff.

Bà Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống trước Thẩm phán Tối cao Sonia Sotomayor.

Bà Harris chính thức trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sau khi tuyên thệ nhậm chức trong ít phút tới.

Có gì trong thư ông Trump gửi ông Biden

Một nguồn tin của CNN đã mô tả bức thư ông Donald Trump gửi ông Joe Biden, như một truyền thống giữa các đời Tổng thống Mỹ, là một bức thư “cá nhân” có nội dung tiếp nối những chủ đề ông đã nhắc đến trong bài phát biểu chia tay, chúc cho sự thành công của đất nước và chính quyền mới. Ông Mike Pence cũng đã gửi thư và có cuộc điện đàm với bà Kamala Harris.

23h05: Phó Tổng thống Mike Pence lên khán đài dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden

 

23h05: Các đại biểu ổn định chỗ ngồi trước lễ nhậm chức

Sáu trong số chín thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ đã có mặt tại lễ nhậm chức và xuất hiện trên sân khấu dựng tại cánh Tây đồi Capitol.

Bà Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống trước Thẩm phán Tối cao Sonia Sotomayor. Trong khi đó, Chánh án John Roberts sẽ chứng kiến ông Biden tuyên thệ.

Các đại biểu tới tham dự lễ nhậm chức đang dần ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị cho sự kiện sẽ bắt đầu trong vòng chưa đầy nửa giờ tới.

Năm nay, chỉ có khoảng 1.000 người dự lễ nhậm chức của ông Biden do ảnh hưởng của đại dịch và lo ngại về an ninh.

Không khí rộn ràng trước lễ nhậm chức. (Ảnh: CNN)

23h00: Tổng thống Trump vừa hạ cánh ở Florida

Trước đó, ông Trump đã có một buổi lễ chia tay ngắn tại Căn cứ Andrews vào sáng 20/1 (giờ địa phương).

Trong bài phát biểu, ông hứa sẽ "luôn chiến đấu" vì người dân Mỹ và chúc chính quyền sắp tới của Biden "gặp nhiều may mắn".

Ông Trump sẽ ở Florida khi Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc lúc 12h trưa (giờ địa phương).

22h45: Ông Biden đăng Twitter nói yêu vợ

Chỉ còn vài phút trước khi đọc lời tuyên thệ, Tổng thống đắc cử Joe Biden đăng Twitter cảm ơn vợ Jill Biden: “Anh yêu em, Jilly, và anh cảm thấy vô cùng biết ơn khi có em đi cùng anh trên hành trình phía trước”.

Bà Biden chia sẻ lại dòng trạng thái này ngay sau đó.

 

22h30: Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Harris xuất hiện ở điện Capitol

Đoàn xe của Tổng thống đắc cử Joe Biden tới đồi Capitol trước lễ nhậm chức.

Tất cả các đại biểu tới tham dự lễ nhậm chức của ông Biden đều đeo khẩu trang. Hướng dẫn y tế dán trên ghế ngồi của những người tới dự buổi lễ cũng ghi rõ yêu cầu giữ khoảng cách tối thiếu 2 m và đeo khẩu trang trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Vợ chồng Tổng thống đắc cử Joe Biden cùng vợ chồng Phó Tổng thống đắc cử Harris và lãnh đạo lưỡng viện bước lên tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: CNN)

Các lãnh đạo Quốc hội chào đón Biden khi ông bước vào điện Capitol. Biden dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào 12h trưa 20/1 theo giờ Mỹ.

Ông Biden đã dành thời gian chỉnh sửa bài diễn văn nhậm chức trong những phút cuối trước thời khắc quan trọng. Một cố vấn cấp cao của Biden cho biết Tổng thống đắc cử có thể sẽ thực hiện một số điều chỉnh nhỏ với bài diễn văn nhậm chức cho tới phút cuối.

Toàn cảnh sâu khấu nhậm chức của ông Biden.

Biden từng đọc thử bài diễn văn này trong nhiều tuần với nhóm của mình, bao gồm cả người viết diễn văn Vinay Reddy và cố vấn Mike Donilon.

Ông Biden từ lâu được biết đến là người chuẩn bị rất tỉ mỉ cho các bài phát biểu lớn nhỏ. Ông cũng thường xuyên đưa ra các chỉnh sửa cho tới phút chót.

"Chúng tôi cũng đã nghe Tổng thống đắc cử nói về cách ông đánh dấu các bài phát biểu của mình để giúp cải thiện tốc độ". Thượng nghị sĩ Chris Coons - một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Biden cho hay.

22h28: Ông Pence tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền đương nhiệm tới dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. 

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, đã có mặt tại Điện Capitol. Cùng đi với ông McConnell là phu nhân Elaine Chao, người từng giữ chức bộ trưởng Giao thông trong chính quyền Tổng thống Trump. Bà Chao từ chức ngay sau vụ bạo loạn hôm 6/1.

Một số thành viên Thượng viện khác cũng có mặt ở Điện Capitol, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, Amy Klobuchar và nghị sĩ phe Cộng hòa Ted Cruz.

Cựu chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, đảng viên Cộng hòa, xác nhận dự lễ nhậm chức của ông Biden.

Biển cờ thay cho biển người

Do ảnh hưởng của đại dịch và lo ngại về an ninh, giới chức Mỹ khuyến cáo người dân hạn chế tham dự lễ nhậm chức của ông Biden.

200.000 lá cờ đại diện cho người dân của 56 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.

Ban tổ chức lễ nhậm chức đặt 200.000 lá cờ đại diện cho người dân của 56 bang và vùng lãnh thổ của Mỹ tại công viên quốc gia National Mall.

Những lá cờ được thắp sáng rực rỡ để tạo cảm giác National Mall chật kín người trong khi thực tế có rất ít người ở đây.

Mục đích là để đánh lừa thị giác của những người theo dõi lễ nhậm chức qua truyền hình.

22h20: Sơ tán Tòa án Tối cao vì đe dọa đánh bom

Một quan chức xác nhận với CNN rằng lực lượng an ninh đang sơ tán người ở trụ sở Tòa án Tối cao sau khi xác định có nguy cơ đánh bom. Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở đây đang được tăng cường.

22h05: Ông Biden rời nhà thờ tới nơi làm lễ nhậm chức

Trong khi đó, cựu Tổng thống George W. Bush và vợ Laura vừa đến Điện Capitol để chuẩn bị dự lễ tuyên thệ của ông Biden. Vì ông Trump đã rời thủ đô, ông Bush trở thành tổng thống Cộng hòa duy nhất hiện diện ở lễ nhậm chức.

Cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã có mặt tại điện Capitol.

Gia đình Obama và Clinton đã đến lễ nhậm chức của Biden.

22h00: Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi lời chức tới ông Biden

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Joe Biden trước lễ nhậm chức.

Ảnh chụp dòng tweet của ông Obama chia vui cùng Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông Joe Biden từng là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama.

"Chúc mừng bạn của tôi, Tổng thống Joe Biden. Đây là thời của ông", ông Obama viết trên Twiiter.

Ông Obama sẽ xuất hiện trong lễ nhậm chức của Biden cùng với các cựu Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton.

Ông Biden là cấp phó của ông Obama trong suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ vào năm 2008 và tái đắc cử vào năm 2012.

Tổng thống Trump cảm ơn Phó Tổng thống Mike Pence trong bài phát biểu

Sau nhiều tháng căng thẳng của mối quan hệ Trump-Pence, Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu cuối cùng trước công chúng gửi lời cảm ơn Phó Tổng thống.

Tôi muốn cảm ơn Phó tổng thống của chúng ta, Mike Pence và (phu nhân) Karen”, ông nói trước khi lên đường đến Florida.

Không giống như Trump, Pence sẽ có mặt tại lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Mối quan hệ của Pence với Trump trở nên căng thẳng kể từ khi Phó Tổng thống từ chối can thiệp để ngăn Quốc hội công nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1, trong đó ông Joe Biden chiến thắng.

Sau khi đề cập đến Pence, ông Trump cũng cảm ơn Quốc hội. “Chúng tôi thực sự đã làm việc tốt với Quốc hội - ít nhất ở một số phương diện”, ông Trump nói thêm.

Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, cùng với sự ủng hộ của 10 thành viên đảng Cộng hòa, đã bỏ phiếu để luận tội ông Trump vào tuần trước vì kích động bạo lực ngày 6/1. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell, hôm 19/1, cũng cho rằng đám đông xông vào Điện Capitol khi Quốc hội đang kiểm phiếu đại cử tri là "do tổng thống khiêu khích".

21h20: Tổng thống đắc cử Joe Biden đăng Twitter nói "Một ngày mới đến ở nước Mỹ"

 

21h15: Ông Biden tới nhà thờ

Ở thời điểm ông Trump lên Không lực Một để bay tới Florida, Tổng thống đắc cử Joe Biden và vợ rời Nhà Blair tới St. Matthew dự một buổi lễ.

Nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa tham dự sự kiện này, bao gồm lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer.

Biden và phu nhân tới nhà thờ. (Ảnh: CNN)

21h10: Trump để lại lời nhắn cho Biden

Theo một nguồn tin thân cận với Tổng thống Donald Trump, ông đã để lại một lời nhắn gửi người kế nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên nội dung lời nhắn không được tiết lộ.

Một trong những truyền thống trong ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ là các tổng thống sắp mãn nhiệm để lại thư trên bàn Kiên quyết trong phòng Bầu dục. Phó tổng thống Mike Pence cũng để lại ghi chú cho bà Kamala Harris trong bàn làm việc ở Cánh Tây.

Vợ chồng Tổng thống Donald Trump trên chiếc Không Lực Một lần cuối cùng trong tư cách người lãnh đạo nước Mỹ. (Ảnh: CNN)

Ông cũng được cho là bỏ qua bài phát biểu soạn sẵn, thay vào đó tự mình phát biểu trước những người ủng hộ tại buổi lễ chia tay. Trong bài phát biểu của mình, ông Trump tiếp tục không nhắc tên người kế nhiệm. 

20h50: Tổng thống Trump nói sẽ trở lại

Trong bài phát biểu trước khi lên đường đến Florida, ông Trump bày tỏ lòng cảm kích tới người dân Mỹ. Ông chúc chính quyền mới mọi điều may mắn và thành công trong tương lai.

"Tôi nghĩ họ sẽ thành công rực rỡ, họ có nền tảng để làm nên những điều tuyệt vời”, ông nói.

"Kiểu gì chúng tôi cũng sẽ trở lại thôi", ông nói thêm.

Sau bài phát biểu ngắn, ông Trump cùng vợ lên chuyên cơ Không lực trở về Florida.

Trump lên Không lực Một rời căn cứ không quân Andrews để tới Florida.

20h40: Trump phát biểu chia tay

Trong bài phát biểu chia tay, Trump nhắc lại hàng loạt thành tựu của mình trong bốn năm qua, bao gồm việc thành lập lực lượng không gian, cắt giảm thuế, thúc đẩy nền kinh kinh tế Mỹ phát triển chưa từng thấy.

Ông mô tả việc phát triển vaccine COVID-19 trong 9 tháng là "một phép màu y học".

"Các bạn là những người tuyệt vời và đây là một đất nước tuyệt vời, thật vinh dự là một đặc ân khi được trở thành tổng thống của bạn”, Trump nói trong tiếng reo hò của đám đông.

Trump cam kết ông sẽ tiếp tục theo dõi và lắng nghe. Ông cũng chúc chính quyền sắp tới thành công và may mắn, đồng thời nói rằng ông nghĩ họ sẽ thành công.

Trước ông Trump, Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng có chia sẻ ngắn.

"Được trở thành đệ nhất phu nhân của bạn là vinh dự lớn nhất của tôi. Cảm ơn tình yêu và sự ủng hộ của bạn. Chúa phù hộ cho tất cả các bạn. Chúa phù hộ cho gia đình các bạn. Và Chúa phù hộ cho đất nước xinh đẹp này. Cảm ơn các bạn", bà nói.

20h35: Tổng thống Trump tới căn cứ không quân Andrews

Chiếc Marine One chở ông không bay thẳng mà lượn một vòng ở khu vực trung tâm thủ đô Washington.

Trump dự kiến sẽ có một bài phát biểu ngắn tại căn cứ quân sự Andrews.

Ông Trump và phu nhân Melania đặt chân tới căn cứ không quân Andrews.

20h15: Ông Trump rời Nhà Trắng

Marine One đã hạ cánh trên bãi cỏ của Nhà Trắng, chờ để đưa Tổng thống Trump tới căn cứ không quân Andrews. Tổng thống Trump có vẻ không vội vàng rời đi. Một số hình ảnh chụp lại cho thấy các phụ tá của ông Trump bê một số hộp ra ngoài.

Vợ chồng ông Trump bước lên trực thăng và rời Nhà Trắng.

Tổng thống Trump và phu nhân rời Nhà Trắng.

Lời cuối Trump nói trước khi rời Nhà Trắng

Trước khi lên Marine One và rời Nhà Trắng, Trump nói ngắn gọn với các phóng viên rằng ông đã đạt được nhiều thành tích trong nhiệm kỳ và ông cùng phu nhân Melania yêu mến người dân Mỹ. Sau buổi lễ tại Andrews, ông Trump sẽ bay đến Florida và di chuyển về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình.

Tổng thống Trump và phu nhân bước lên Marine One để rời Nhà Trắng. (Ảnh: Guardian)

 

20h00: Tổng thống Trump chuẩn bị rời Nhà Trắng

Các bước chuẩn bị cuối cùng đang được tiến hành tại căn cứ không quân Andrews, nơi Tổng thống Trump sẽ lên chuyên cơ Không lực Một để trở về Florida.

Binh sĩ Mỹ trải thảm đỏ trước Không lực Một tại căn cứ Andrews sáng 20/1. (Ảnh: AFP)

Ông tổ chức một buổi lễ chia tay tại căn cứ Andrews và mời nhiều người, trong đó có cả những người phản đối ông sau sự kiện đồi Capitol hôm 6/1. Lễ chia tay Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra lúc 8h ngày 20/1 (20h giờ Hà Nội). Sau đó, cựu chủ nhân Nhà Trắng sẽ lên chuyên cơ Không lực Một để trở về bang Florida.

Toàn cảnh buổi lễ chuyển giao quyền lực ở Mỹ

Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức vào 11h30 trưa 20/1 (giờ địa phương, tức 23h30 20/1 giờ Hà Nội). Nhiệm kỳ của tân Tổng thống sẽ bắt đầu từ 12h.

Sự kiện được tổ chức tại Điện Capitol, Mỹ, được đánh giá là không giống bất kỳ lễ nhậm chức nào từng diễn ra trước đây.

Ông Biden tham dự sự kiện tưởng nhớ những người qua đời vì COVID-19 ngày 19/1. (Ảnh: AP)

Chỉ trước đó một ngày, Mỹ vượt mốc 400.000 người chết liên quan đến COVID-19. Bên cạnh đó, cuộc tấn công ngày 6/1 vào tòa nhà Quốc hội của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vẫn để lại những hoang mang và chia rẽ.

Ông Trump sẽ không tham dự sự kiện và đã công bố bài phát biểu chia tay hôm 19/1. Phó Tổng thống Mike Pence, trong khi đó, sẽ tham dự lễ nhậm chức, nhưng được cho là sẽ bỏ qua sự kiện chia tay ông Trump.

Thủ đô Washington D.C. chứng kiến mức độ an ninh chưa từng có trước những lo ngại từ FBI, cảnh sát địa phương và các cơ quan chính phủ khác về tình trạng bạo lực có thể xảy ra, phản ứng với việc Tổng thống Trump bị luận tội. Thị trưởng Muriel Bowser đã kêu gọi người dân ở nhà và theo dõi sự kiện trực tuyến. Hầu hết trung tâm thành phố Washington, D.C. và Đồi Capitol đều đóng cửa đối với công chúng. Airbnb hủy đặt chỗ ở Washington D.C. để ngăn khách du lịch đến khu vực.

Ủy ban nhậm chức của tổng thống Mỹ đã đặt hơn 191.500 lá cờ tại quảng trường National Mall để đại diện cho những người không thể tham dự lễ nhậm chức. (Ảnh: Getty)

Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia đến thủ đô. FBI, trong khi đó kiểm tra chính quân đội để chống lại các mối đe dọa từ bên trong hàng ngũ, theo CNN. Hôm 19/1, The New York Times đưa tin 12 thành viên Vệ binh Quốc gia đã bị loại khỏi nhiệm vụ, trong đó 2 người bị loại vì có thể có mối quan hệ cực đoan cánh hữu.

Chủ đề của lễ nhậm chức năm nay là "Nước Mỹ thống nhất", một vấn đề từ lâu đã trở thành trọng tâm của Biden và càng được chú trọng hơn sau vụ việc tại Điện Capitol. Ủy ban nhậm chức của Tổng thống cho biết chủ đề này "phản ánh sự khởi đầu của một hành trình quốc gia mới, khôi phục linh hồn của nước Mỹ, gắn kết đất nước lại với nhau và tạo ra một con đường dẫn đến một tương lai tươi sáng hơn".

Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton sẽ có mặt tại nghi lễ.

Sau lễ nhậm chức, gia đình Biden, Harris, Obama, Bush và Clinton sẽ đặt vòng hoa tại Mộ Người lính Vô danh ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Đây sẽ là một trong những hoạt động đầu tiên của Biden với tư cách là Tổng thống.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia đến thủ đô. (Ảnh: David Butow/Redux)

Sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được tuyên bố thắng cử nhưng Tổng thống đương nhiệm đảng Cộng hòa Donald Trump không công nhận chiến thắng này. Ông Trump và những người ủng hộ cáo buộc đảng Dân chủ đã gian lận phiếu bầu, dẫn đến kết quả “đảo ngược tình thế” và giành chiến thắng của ông Biden ở một số bang chiến trường.

Kể từ đó, đội ngũ của Tổng thống Trump thực hiện hàng loạt các thách thức pháp lý để xét lại kết quả phiếu bầu ở các bang, nhưng không tạo được thay đổi đáng kể. Tuy nhiên đi kèm với các nghi vấn gian lận bầu cử, quá trình chuyển giao quyền lực gặp gián đoạn.

Các nỗ lực “lật kèo” kết quả bầu cử của Tổng thống Trump tiếp tục được đẩy mạnh đến ngày 6/1, ngày diễn ra cuộc họp kiểm phiếu đại cử tri của Quốc hội. Cuộc họp vốn chỉ mang tính nghi thức vào các kỳ bầu cử thông thường đã xảy ra biến cố khiến nước Mỹ chấn động khi những người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol, gây ra tình trạng bạo lực và khiến các nghị sĩ phải sơ tán.

Dù vậy, phiên họp được khôi phục và các nghị sĩ trải qua quá trình tranh luận xuyên đêm để giải quyết những phản đối phiếu bầu cuối cùng được đưa ra, tuyên bố công nhận ông Joe Biden đắc cử.

Tổng thống Trump sau đó tuyên bố đồng ý chuyển giao quyền lực một cách có trật tự. Tuy nhiên ông Trump đang phải đối mặt với quá trình luận tội của Quốc hội vì cáo buộc “kích động bạo lực” ngày 6/1.

Ông Biden xúc động trong bài phát biểu ở Delaware trước khi đến Washington dự lễ nhậm chức. (Ảnh: Evan Vucci/AP)

Khách mời dự sự kiện sẽ phải "giãn cách xã hội" chống dịch COVID-19. (Ảnh: Gabriella Demczuk/CNN)

Đội ngũ quân nhạc luyện tập trước lễ nhậm chức. (Ảnh: Erin Schaff/Pool/Getty Images)

Truyền thông làm việc tại Điện Capitol. (Ảnh: CNN)

Các điểm đặt ATM được trang bị che chắn phòng trừ bạo lực. 

(Ảnh: CNN)

Phương Anh-Song Hy

Tin mới