Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trong từ điển gen Z, 'lò vi sóng' là gì?

(VTC News) -

Thế hệ trước ít ai biết rằng từ "lò vi sóng" trong từ điển gen Z lại mô tả một trạng thái trong quan hệ tình cảm của giới trẻ.

Một trong những từ lóng đáng chú ý của giới trẻ gần đây là "lò vi sóng". Nếu không phải là một người thường xuyên tiếp xúc với "từ điển gen Z", có thể bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi “lò vi sóng” có ý nghĩa gì mà sao giới trẻ nhắc nhiều đến vậy.

Giải mã từ điển gen Z: "Lò vi sóng" là gì?

"Lò vi sóng" là gì trong từ điển gen Z?

Trong từ điển gen Z, "lò vi sóng" ám chỉ những cặp đôi từng chia tay nhưng sau đó quay lại với nhau, và điều này diễn ra nhiều lần. Giống như chức năng của một chiếc lò vi sóng: Bật, tắt và hâm nóng thức ăn, mối quan hệ này cũng trải qua những chu kỳ gián đoạn và nối lại liên tục.

Ý tưởng dùng từ "lò vi sóng" để so sánh có thể bắt nguồn từ chính tính chất của thiết bị này. Lò vi sóng có khả năng làm nóng lại thức ăn nhanh chóng, và điều này tương đồng với cách một số cặp đôi có thể trở lại với nhau sau một thời gian ngắn chia tay. Sự bật tắt liên tục của lò vi sóng cũng minh họa cho những lần tan vỡ và hợp lại của mối quan hệ này.

"Lò vi sóng" miêu tả trạng thái "chia tay - quay lại" trong tình yêu.

Có người lý giải, mọi người thường gọi hành động cho thực phẩm vào lò vi sóng để làm nóng là "quay lại" - đồng âm với từ "quay lại" với người yêu cũ. 

Tình yêu kiểu "lò vi sóng" của gen Z

Ở một số nước phương Tây, mối quan hệ kiểu này được diễn đạt bằng cụm từ "On-off relationship" (mối quan hệ bật - tắt). Khác với tình yêu kiểu truyền thống, trong mối quan hệ này, chia tay không phải chấm dứt mà là bắt đầu cho một vòng tròn hợp - tan chưa biết khi nào là điểm dừng.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medicalnewstoday của Mỹ năm 2023, 60% người trẻ thừa nhận họ từng trải qua mối quan hệ "kiểu lò vi sóng".

Trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong giới trẻ, những mối quan hệ "lò vi sóng" không phải là điều hiếm hoi. Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến việc kết nối và tái kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều cặp đôi chia tay, sau đó quay lại vì nhận ra vẫn còn tình cảm với nhau hoặc do tác động của kỷ niệm đẹp từ quá khứ.

Mặc dù việc liên tục quay lại có thể giúp các cặp đôi có thêm cơ hội để hiểu và trân trọng nhau hơn, điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định. Những mâu thuẫn không được giải quyết triệt để có thể dẫn đến sự lặp lại của các vấn đề, và sự bất ổn có thể gây căng thẳng tình cảm.

Không phải mọi mối quan hệ kiểu "lò vi sóng" đều tiêu cực. Nhiều cặp đôi đã tìm ra cách để làm cho mối quan hệ của họ mạnh mẽ hơn qua mỗi chu kỳ tan vỡ và hòa giải. Việc đối diện với những thách thức và học cách giao tiếp hiệu quả có thể giúp họ xây dựng một nền tảng vững chắc hơn.

Nhật Thùy

Tin mới