Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

10 bài tẩy não để trở thành Thánh đồ 'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ'

(VTC News) -

Những Đấng tiên tri rởm hết dùng những lời đường mật dụ dỗ đến gieo rắc nỗi sợ hãi rồi vỗ về, an ủi để "Thánh đồ" hết lòng tin theo và phụng sự cái gọi là Hội Thánh.

Tà đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ hoạt động trở lại giữa Thủ đô

Trước khi trở thành "Thánh đồ" của "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ", phóng viên VTC News phải trải qua 10 buổi học Kinh Thánh qua phần mềm Zoom cùng các thành viên của tổ chức này, trong đó có những người giữ chức vụ trong Hội Thánh.

Những ngày đầu tôi thấy mình thật quan trọng và được ưu ái, đúng là được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Có hẳn 3 người phụ nữ thay phiên nhau truyền dạy Kinh Thánh cho tôi. Đó là Thương, Hiền và Thái.

Tôi là người học, nhưng thật oách. Ngày học do tôi sắp xếp, thời gian học một tiếng rưỡi hay hai tiếng là do tôi định đoạt. Theo yêu cầu của tôi, họ chia nhau ra đáp ứng.

Mà họ đâu phải hạng xoàng, đều là những người có vai vế trong tổ chức và đặc biệt có khả năng truyền đạt, nắm vững tâm lý học viên và thấm nhuần từng câu, từng từ trong Kinh Thánh. Những người như thế mới đủ “trình” để giảng dạy cho tín đồ mới.

Ngay như chị Thơm cũng chỉ ngồi giảng giải khoảng 1 tiếng đồng hồ với những kiến thức xoay quanh việc không nên ăn đồ thờ cúng, trước khi dẫn tôi vào làm lễ Baptem để ghi tên mình vào sách sự sống đời đời trên nước Thiên Đàng.

Chị chỉ ở mức thường xuyên liên lạc với tôi để nắm bắt tâm tư tình cảm. Hay Phương Thanh chỉ như người trinh sát để tìm kiếm nhân sự lôi kéo được vào tổ chức.

Các chị Thương, Hiền và Thái mới là các "cao nhân” thực thụ. Theo tìm hiểu của tôi, họ có chức vụ trong tổ chức nhưng trong quá trình giảng dạy cũng như trò chuyện, họ không bao giờ để lộ thân thế, "Thánh đồ" biết tới họ cũng chỉ đoán già đoán non.

 

 

Zoom vừa được kết nối, một phụ nữ với gương mặt thanh tú chào hỏi tôi rất niềm nở. Người này tự giới thiệu là Thương. Một lúc sau, lần lượt 4 - 5 người khác cũng vào Zoom, họ chỉ chào hỏi rồi tắt micro, thậm chí có người lặng lẽ vào, nhưng "im như thóc”.

Trong suốt buổi giảng, không ai trong số họ nói câu nào, chỉ là những lời nhắn tán dương “Tuyệt vời”, mỗi khi tôi trả lời đúng câu hỏi hoặc ngợi khen quyền năng siêu việt nào đó của Đức Chúa Trời.

“Mỗi buổi nghe đều có các chị em vào ngồi cùng, nghe cùng vì luôn có thế lực ma quỷ, Satan tranh chiến cùng con cái Đức Chúa Trời, dụ dỗ, lôi kéo để không muốn chúng ta biết được lẽ thật của Ngài.

Để nói chuyện được với Đức Chúa Trời, để xin Ngài hãy gìn giữ linh hồn này, cho linh hồn này được nghe hết lời của Ngài chỉ thông qua nghi thức cầu nguyện. Cầu nguyện là đối thoại giữa Đức Chúa Trời và chúng ta.

Vì vậy luôn có các chị em ở cùng chị để cầu xin cho linh hồn chị được nghe thấu lời của Đức Chúa Trời cho tới giây phút cuối cùng và được thắng”, "cao nhân" Thương giải thích cho tôi về vai trò của những người cùng xuất hiện trong Zoom của buổi giảng.

Trong những lời giảng của tất cả các buổi học, các "truyền đạo viên" này luôn chỉ ra ma quỷ và Satan chính là kẻ ở dưới Trái Đất này xóa bỏ điều răn luật pháp của Đức Chúa Trời, tức là cắt mọi con đường để linh hồn chúng ta được nhận sự sống lại.

 

Học được nửa thời gian, thay cho chị Thương là chị Hiền tiếp tục dạy cho tôi. Ngay trong buổi giảng đầu tiên, người phụ nữ này đã vẽ cho tôi sự rùng rợn của Ngày tận thế.

Họ nói đang cùng tôi sống ở thời đại cuối cùng. Những gì diễn ra hôm nay không phải ngẫu nhiên mà đã được sắp đặt theo kịch bản. Đức Chúa Trời nắm trong tay vận mệnh của cả loài người là như vậy. Và, Kinh Thánh là cuốn sách luật pháp, nhưng không phải luật của con người mà là luật trời.

“Thiên tai, dịch bệnh lúc nào cũng có, nhưng vào thời kỳ cuối cùng tần suất nhiều hơn, cho thấy đây chính là điểm báo. Đức Chúa Trời đã cảnh báo tai vạ nhiều thì ngày cuối cùng, ngày hủy diệt không phải còn lâu và nó sẽ xảy ra ngay đời chúng ta”.

Các "nữ sư phụ" gieo vào đầu óc tôi sự sợ hãi qua những “cú đấm” áp đảo tinh thần với hàng loạt dẫn chứng về động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng chục nghìn người chết, đại dịch COVID-19 tàn khốc vừa trôi qua, rồi bão Mặt trời, núi lửa phun trào… Từ đó, họ khuyên tôi dành thời gian nghe Kinh Thánh để có được may mắn và bình an tuyệt đối.

 

 

Đấm đấy, rồi lại xoa ngay. Vừa đấm vừa xoa là thủ thuật của họ. Gieo rắc xong nỗi lo sợ về Ngày tận thế, để cho người nghe ngấm sự hoảng hốt, lúng túng, muốn tìm cách thoát khỏi thảm họa, họ mới chỉ ra con đường thoát thân. Đó là sự ban ơn của Đức Chúa Trời.

“Hôm nay, chị nhận được ơn sâu của Đức Chúa Trời nên được báo trước. Ngày nay, Đức Chúa Trời không chỉ báo trước tai vạ mà còn báo phương pháp. Đức Chúa Trời biết trước sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, tức là từ khi cho chép Kinh Thánh”, chị Hiền nói.

Câu hỏi được chính họ đặt ra: “Trái đất bị hủy diệt, chúng ta sống ở đâu?”, và cũng là gợi mở để gieo trong tôi sự tò mò, không bỏ giữa chừng, tiếp tục nghe giảng những bài tiếp cứ như đọc truyện dài kỳ, kiểu như muốn biết thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ.

Trong suốt quá trình học, tôi được chị Thơm chăm sóc cực kỳ nhiệt tình, nắm bắt diễn biến tâm lý hết sức sâu sát. Chị luôn hỏi tôi ngày, giờ các buổi học tiếp và hỏi tôi có những điều gì không hiểu để trực tiếp giải đáp.

Dần dà trong những buổi học sau đó, họ nói với tôi, muốn tránh được ngày phán xét cuối cùng phải hướng về Sion, là nơi tổ chức các kỳ lễ trọng thể của Đức Chúa Trời, nơi lưu giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, phải vào đó mới nhận được sự bảo vệ, cứu rỗi của Đức Chúa Trời về phần linh hồn. Thậm chí, họ còn truyền tay nhau bài giảng về “văn hóa Sion”.

Không những thế, họ luôn khẳng định, những điều viết trong Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời và là sự thật. Những giáo lý không tuân theo Kinh Thánh này đều là giả dối.

 

Theo đó, ngày Sabat đối với Hội Thánh Đức Chúa Trời là thứ Bảy chứ không phải là Chủ nhật. Theo "Thánh đồ" của Hội, Noel thực chất là ngày sinh của Thần Mặt trời và đã được thay đổi thành ngày sinh của Đức Chúa Giêsu, tức ngày Giáng sinh…

“Chị không thích đi chơi Noel tức là ít bị ma quỷ cám dỗ. Rất nhiều người Việt Nam không đi nhà thờ, nhưng nhắc tới Noel ai cũng thích. Đó là một trò của ma quỷ, Satan. Chúng ta cứ bị cám dỗ, mù quáng đi theo mà không biết bản chất là gì.

Lễ Giáng sinh không phải do Đức Chúa Trời lập nên cũng không phải dựa trên Kinh Thánh”, chị Thái, một trong ba người thường xuyên giảng Kinh Thánh cho tôi nói để “lái” tôi tin những gì tôi đang thấy ở thực tại chỉ là giả dối và có thế lực ma quỷ đứng sau cám dỗ.

 

Cứ thế, mỗi buổi học, tôi lại được hé lộ thêm một điều “được giấu kín”. Họ đưa ra một thế giới thần bí, một nơi ở như mơ mà ai trở thành con cái của Đức Chúa Trời mới được nghỉ ngơi đời đời, không phải lo kiếm đồ ăn, được tự do ăn hoa quả trong vườn. Nơi ấy chính là nước Thiên Đàng.

 

Khẳng định Kinh Thánh là sách khoa học nhưng họ lại chỉ ra những điều mang yếu tố tâm linh, huyền bí, thậm chí nhiều người nghĩ chỉ có trên phim ảnh. Họ bảo, chúng ta vốn là thiên sứ ở trên Trời, là công dân nước Thiên Đàng.

“Để có thể thoát được tai vạ chúng ta phải tham gia Lễ Vượt qua, tức là nhận ấn của Đức Chúa Trời”, chị Hiền khẳng định.

Theo hé lộ từ những người trong tổ chức này, các kỳ lễ trọng thể khác của Hội Thánh chỉ tổ chức mỗi năm một lần, nhưng riêng Lễ Vượt qua được tổ chức 2 lần trong năm để những người không có điều kiện tham gia lần một có thể tham gia lần hai và nhận được sự sống đời đời. Lần một vào ngày 14/1, lần 2 vào 14/2 hàng năm và được tính theo Thánh lịch, không phải lịch mà chúng ta đang sử dụng.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian nghe giảng lời Kinh Thánh, các bậc “giảng sư” chỉ nói về Lễ Vượt qua, ngày Sabat thứ Bảy phải nghỉ ngơi chứ không hề nhắc tới điều kiện bắt buộc để được tham gia Lễ Vượt qua là phải giữ phép Baptem. Phải tới buổi học thứ 10 cũng là ngày rất sát với Lễ Vượt qua lần thứ 2, nghi thức này mới được nhắc tới.

“Phương pháp duy nhất để được bảo vệ khỏi tai vạ là giữ gìn Lễ Vượt qua. Nhưng trước khi giữ lễ này cần có một phương pháp nữa, là điều kiện tiên quyết để anh chị em có được dự Lễ Vượt qua không, đó là Lễ Baptem, để được sinh lại mới về mặt linh hồn và được biên vào sách Sự sống.

Bản thân chúng ta là tội nhân rất ô uế cả về thể xác và linh hồn, Baptem là nghi thức khiến cho linh hồn trở nên tinh sạch, bản thân chúng ta gột rửa sạch mọi tội lỗi từ trong quá khứ đến hiện tại. Khi thân thể sạch rồi chúng ta mới được dự phần vào đồng thân thể với Đức Chúa Giêsu”, chị Thương giảng giải.

Theo tổ chức này, sách Sự sống như sổ hộ khẩu trên nước Thiên Đàng. Ai có tên trong sách Sự sống thì về nước Thiên Đàng, ai không có tên trong đó đều bị ném xuống Hồ lửa.

Họ ví lễ Baptem như khoa cấp cứu. Baptem là cấp cứu, là sự khẩn cấp về phần linh hồn và chúng ta cần cấp cứu càng sớm càng tốt, không được chậm trễ, không được kéo dài thời gian để nhận được sự cứu rỗi.

“Ngày nay, nhiều nhà thờ, hội thánh khác cho rằng, chỉ được chịu phép Baptem sau 6 tháng hoặc một năm học Kinh Thánh nhưng Hội Thánh của Đức Chúa Trời Mẹ cho rằng, phải chịu phép Baptem ngay, không được chậm trễ một giây một phút nào. Điều đó cho thấy nghi thức này quan trọng như thế nào”, chị Thương đoan quyết.

Đây chính là những lời đe doạ khiến không ít người, đặc biệt các sinh viên vừa chập chững làm quen với giảng đường, tâm hồn vẫn như tờ giấy trắng trở nên lo sợ về tương lai của mình nên đi theo và đánh mất tương lai, sự nghiệp. 

 

Còn với tôi, học Kinh Thánh đến buổi thứ 10, họ bảo tôi đã sắp về đích, đã đi được 90% quãng đường và sắp đứng trước ngưỡng cửa của nước Thiên Đàng.

Mặc dù trong suốt những buổi học ấy, tôi thấy mình như lạc vào một ma trận với rất nhiều khái niệm, những ví dụ và cả hệ thống nhân vật được nhắc tới nhưng với họ, trong 8 tỷ người dân trên thế giới, không phải ai cũng nhận được sự cứu rỗi vì Đức Chúa Trời phán, con đường vào nước Thiên Đàng là cửa hẹp mà cửa hẹp thì khó qua.

Việc tôi ngồi nghe lẽ thật và tin vào những lời phán của Đức Chúa Trời vì Ngài lựa chọn, sắp đặt cho tôi tới giờ phút này, thời điểm này là không sớm cũng không muộn. “Mọi sự xảy tới không phải ngẫu nhiên mà là kịch bản. Chúng ta là diễn viên cần diễn như thế”, chị Thương lý giải.

Họ hỏi tôi, đến thời điểm này đã muốn dự lễ Baptem chưa? Khi tôi đáp “Rất muốn” thì ai nấy đều rất vui vẻ chúc mừng và bảo nhau: “Chị em Thơm ơi, chị ấy muốn Baptem rồi này”.

Kỳ sau: Nghi lễ chính thức thành "Thánh đồ" Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ

Hứng 10 gáo nước giội xuống đầu, cùng lắng nghe những lời cầu nguyện của Chấp sự trong “sào huyệt” của tà đạo, ăn bánh thánh, uống rượu nho tượng trưng cho thân thể và huyết của Đức Chúa Trời nữ phóng viên VTC News kể lại ấn tượng khó quên trong nghi lễ Baptem.

NHÓM PV

Tin mới