Liên quan đến việc chùa Kỳ Quang 2 (số 154/4A Lê Hoàng Phái, Phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM) gỡ di ảnh, chất tro cốt của người đã khuất vào xó, ngày 3/9, hàng trăm người dân đã tập trung tại chùa, bày tỏ bất bình về sự việc.
Theo ghi nhận của PV VTC News lúc 9h, khoảng hơn 100 người tập trung tại đây để cùng ký vào đơn khiếu kiện Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về hành vi "Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt".
Chùa Kỳ Quang 2 (số 154/4A Lê Hoàng Phái, Phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM).
Tất cả những người tập trung tại đây đều có tro cốt của người thân được gửi tại chùa. Người gửi một hũ, có người gửi đến hàng chục hũ tro cốt của người thân.
Theo những người phản ánh, những năm gần đây, để được gửi tro cốt vào chùa, phải bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng tiền phí. Những người đã gửi từ lâu có giá cao hơn, đỉnh điểm có người phải bỏ hơn hơn 6 cây vàng để có một "dằm" tại chùa cho người thân đã khuất.
Bà Minh Thanh (ngụ Quận 1, TP.HCM) cho biết, năm 1999, để có 2 "dằm" tại chùa Kỳ Quang 2, gia đình bà phải trả 13 cây vàng.
Hơn 100 người cùng ký vào đơn khiếu kiện Thượng toạ Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về hành vi "Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt".
"Ông xã tôi chết năm 1999, tôi đem vào chùa Kỳ Quang 2 để chôn. Thời điểm đó, thầy trụ trì nói một "dằm" có giá 6,5 cây vàng. Lúc đó tôi mua 2 "dằm", trả 13 cây vàng.
Tới năm 2014, thầy nói phải giải toả khu đất nên phải bốc mộ lên thiêu. Tiền thiêu lúc đó hết 14 triệu đồng, tôi phải chịu toàn bộ. Thiêu xong, hũ tro cốt được đưa vào trong chùa, gắn tên gắn di ảnh. Thế nhưng hôm qua tôi đến, thấy hình một nơi, hũ cốt một ngả, tất cả đều được chất đống như rác.
Tính ra, tro cốt của ông xã tôi được gửi ở chùa Kỳ Quang 2 với giá ít nhất cũng hơn 6 cây vàng rồi, chưa tính tiền hoả thiêu. Bây giờ vứt lộn xộn thế này, làm sao tôi tìm được đúng hũ cốt của ông xã tôi", bà Minh Thanh bất bình.
Người dân bất bình khi tro cốt và di ảnh của người thân bị chất vào xó.
Tương tự, ông Lê Tấn Hùng (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, gia đình ông gửi 4 hũ tro cốt của người thân tại chùa Kỳ Quang 2. Khi chuyển từ hũ tro cốt cũ qua hũ mới, phải đóng 6 triệu đồng/hũ. Gia đình ông gửi 4 hũ hết 24 triệu đồng.
"Đâu phải mỗi tiền phí 6 triệu đồng đâu, mỗi lần đến cúng cũng bỏ thêm vài triệu để vái lạy này kia. Giờ chứng kiến tro cốt của ông, bà, cha, mẹ bị vứt như vứt rác vậy ai không bức xúc", ông Hùng nói.
Để đảm bảo trật tự, Công an Phường 17 (quận Gò Vấp) có mặt từ rất sớm hướng dẫn người dân, không để xảy ra xung đột tại chùa.
Riêng vị trí hầm chứa tro cốt và di ảnh của người đã khuất được chất đống, vứt bừa bộn đã được nhà chùa phong toả, cấm mọi người vào.
Theo một sư thầy tại chùa Kỳ Quang 2, Thượng toạ Thích Thiện Chiếu hiện đang làm việc tại Công an Phường 17 nên không thể giải đáp những bức xúc của người dân.
Di ảnh người đã khuất bị gỡ ra, vứt rời rạc trên nền nhà.
Ngày 1/9 (nhằm ngày 14/7 Âm lịch), mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh nhiều hũ tro cốt, di ảnh của người đã khuất được để bừa bộn giữa nền nhà, chất đống trong xó tại chùa Kỳ Quang 2 khiến nhiều người bức xúc.
Trả lời PV VTC News, chị Huỳnh Mỹ Tiên (ngụ TP.HCM) - người đăng tải bài viết cho biết, hình ảnh được chị chụp vào sáng cùng ngày tại chùa Kỳ Quang 2.
Nhân ngày Vu lan báo hiếu, chị Tiên cùng người thân đến chùa Kỳ Quang 2 để thắp hương tưởng nhớ người thân đã khuất. Tại chùa, gia đình chị gửi 4 tro cốt của ông, bà, cậu và chị gái của chị.
Tuy nhiên, khi đến chùa, cảnh tượng tro cốt của người thân bị dịch chuyển, vứt lộn xộn khiến chị cùng hàng trăm người rất bức xúc.
Hàng trăm hũ tro cốt bị chất đống trong xó.
"Những người thân đã mất được gia đình tôi gửi tro cốt vào ngôi chùa danh tiếng này. Thì hỡi ơi, những hũ cốt ấy bị họ di dời. Đúng hơn là phải dùng từ là họ quăng vô một cái xó xỉnh, hình một nơi hũ cốt một ngả.
Mọi người đi cúng ai cũng bất bình, nếu chùa không còn nhận để cốt thì cũng phải thông báo cho gia đình người nhà biết để người ta đem qua để ở chùa khác. Còn nếu không có thân nhân thì gom lại tụng kinh, rải về sông về đất. Đằng này quăng hết tro cốt vô một góc, hình thì bị rơi ra lộn xộn nên làm sao gia đình tôi tìm đúng người thân của mình", chị Tiên cho hay.
Theo chị Tiên, sau khi phát hiện sự việc, chị cùng nhiều người đi tìm thầy trụ trì để nói chuyện, tuy nhiên vị này không ra mặt. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, đến khi lực lượng chức năng có mặt thì vị trụ trì này mới xuất hiện.
Vị trí hầm chứa tro cốt và di ảnh đã được nhà chùa phong toả, cấm mọi người vào từ sáng 3/9.
Qua nội dung video chị Tiên đăng tải, vị trụ trì cho biết, hầm cốt của nhà chùa không nhận để cốt, đồng thời vị này cũng không nhận tiền để cốt của bất cứ ai. Tuy nhiên, sau khi nhiều người phản ứng, vị này hứa sẽ tìm ra đúng cốt và đúng di ảnh cho mọi người.
Về lý do "tro cốt một đằng, di ảnh một nẻo", vị trụ trì cho biết, do quá trình vệ sinh các hũ tro cốt, vì tưới nước mạnh quá nên hình rơi ra.