Chảy máu chất xám và cơ hội việc làm
Sau ánh hào quang đều sẽ đi kèm những mong muốn, trăn trở để cuộc sống ngày một tốt hơn. Em Nguyễn Thuận Hưng (Huy chương Vàng Olympic Toán học 2019) đang học khoa Toán Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều tâm huyết với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.
Dù có nhiều cơ hội và sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai nhưng chàng trai đất Hải Phòng chọn ghi danh vào Đại học Sư phạm Hà Nội để học. Thời điểm đó, nhiều người tỏ ý nghi ngại trước lựa chọn của Hưng. Bởi người ta nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng Hưng cho rằng, làm nghề gì mà giỏi, nghiêm túc không lo chết đói.
Nguyễn Thuận Hưng.
Hưng dự định, sau khi học xong sư phạm sẽ tiếp tục du học chuyên ngành Khoa học máy tính để "tầm sư học đạo". “Các trường đại học Việt Nam rất tốt nhưng cơ sở vật chất, phương pháp dạy học một số nước sẽ hơn hẳn. Do đó, việc sinh viên ra nước ngoài học cái hay, cái mới là điều tất yếu. Còn sau khi học xong, có trở về hay không lại là câu chuyện dài khác”, Hưng nói.
Cậu sinh viên ấy lập luận rằng, thực tế, nhiều người trăn trở vấn đề chảy máu chất xám, những người giành Huy chương Vàng quốc tế hay vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia sau khi du học không trở về, nhưng chưa ai trả lời câu hỏi, khi họ trở về, cơ hội của họ là gì?
Những người trẻ có thật sự có được cơ hội làm việc, cống hiến chuyên môn mà không phải nghĩ đến điều gì khác không?
Chia sẻ về gia đình, Hưng thừa nhận bản thận chịu ảnh hưởng lớn từ bố. Bố là người cho cậu sự thoải mái, tự quyết định nhiều chuyện nhưng lại đặt ra nguyên tắc cứng nhắc như đến bữa cơm phải về ăn, 12 giờ đêm phải có mặt ở nhà đi ngủ.
Dù bận rộn nhiều việc ở ngân hàng nhưng khi về đến nhà, mẹ Hưng thích nấu những món ăn ngon và tự tay trồng rau sạch cho cả nhà. Kể cả khi Hưng lên thành phố học đại học, mẹ cũng chuẩn bị từng gói đồ ăn được sơ chế sẵn để Hưng tự vào bếp.
Thuận Hưng tự nhận thấy khi còn học phổ thông, cậu dành phần lớn thời gian cho việc học, không để tâm nhiều vấn đề khác. Lên đại học, Hưng cảm nhận cuộc sống nhiều chiều hơn. Như việc Hà Nội luôn được mệnh danh là nơi hoà bình, đẹp đẽ nhưng gần đây ô nhiễm đến mức báo động.
Các bạn trẻ, sinh viên tích cực kêu gọi mọi người sử dụng ít túi nhựa, đi gom rác mỗi tuần, hay các của hàng quán cà phê cũng hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, khi ra chợ, Thuận Hưng vẫn thấy điều đó không thay đổi nhiều.
Bản thân chàng sinh viên này hàng ngày đi học, đi chơi đều sử dụng xe buýt, góp phần bảo vệ môi trường. “Cần có giải pháp vĩ mô, mạnh tay để hạn chế phương tiện cá nhân hoặc đánh thuế mạnh mặt hàng túi ni lông để thay đổi thói quen của người dân. Ngoài ra, thành phố cũng cần có kế hoạch về việc phê duyệt cho các công trình xây dựng nội đô”, Hưng nói.
Hiện Hưng tích cực học tiếng Anh và đi dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh trường THPT chuyên Sư phạm và học sinh đội tuyển của TP Hải Phòng. Với Thuận Hưng môn học này rất cuốn hút vì phải tư duy. Mỗi lần giải được bài Toán khó thì thấy như chiến thắng được chính bản thân mình.
Nghiên cứu để tìm ra nguồn năng lượng thay thế
Là cô gái duy nhất trong đoàn Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2019, Nguyễn Khánh Linh - cựu học sinh trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) giành được tấm Huy chương Vàng danh giá và danh hiệu Nữ sinh xuất sắc nhất kỳ thi.
Khánh Linh đang là sinh viên khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHQG Hà Nội). Lý do cô lựa chọn trường này là vì ở đây, Khánh Linh được thỏa sức học tập và nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý.
Nữ sinh năm 2001, tràn đầy sức trẻ, ấp ủ nhiều ước mơ, dự định cho tương lai nhưng cũng không quên trăn trở vấn đề của xã hội, đất nước.
Sắp tới, Khánh Linh dự định sẽ tìm kiếm học bổng để du học chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu những ứng dụng của ngành Vật lý học. Nữ sinh cho biết, thời gian qua đã nộp hồ sơ vào một số trường trên thế giới có đào tạo ngành nghề em yêu thích. Đồng thời, cô còn tham gia CLB Robocon, tham gia sinh hoạt ở Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…
Nguyễn Khánh Linh.
Cũng như Thuận Hưng, Khánh Linh cho rằng, ô nhiễm không khí không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề nan giải của toàn thế giới. Tình trạng biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên, hoạt động kinh tế, sức khỏe và đời sống xã hội của con người.
Vì vậy, nữ sinh này luôn trăn trở muốn được học tập nghiên cứu để tìm ra những nguồn năng lượng mới để thay thế những năng lượng tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hay nghiên cứu những công nghệ kỹ thuật bảo vệ trái đất.
Chia sẻ thêm về Tết cổ truyền, Khánh Linh cho biết thích nhất mỗi khi Tết là việc được đi chợ hoa, tự tay lựa chọn những cành đào tươi thắm nhất về trang trí và về quê chúc Tết ông bà.
Năm nay, Khánh Linh sẽ tham gia hoạt động Tết vì người nghèo với các câu lạc bộ trong trường, như gói bánh chưng tặng các bệnh nhân không được về nhà ăn tết, tặng áo ấm cho các em nhỏ vùng cao.