Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của các ngân hàng đang đến gần. Tại kỳ báo cáo này, lợi nhuận và nợ xấu sẽ là những mối quan tâm hàng đầu sau khi tín dụng tăng chậm lại trong 3 tháng qua. Trong khi đó, Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã hết hiệu lực từ cuối quý 2.
Được biết, theo các thông tư về cơ cấu nợ COVID-19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết thời gian ân hạn, nếu khoản nợ tái cơ cấu không được trả đúng định kỳ, thì sẽ ngay lập tức trở thành nợ xấu, và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất.
Tuy nhiên, nếu "khoản nợ tái cơ cấu" có thể hoàn thành giai đoạn thử thách - trả nợ gốc và lãi phát sinh đầy đủ trong 3 tháng liên tiếp sẽ được chuyển lại về nợ nhóm 1 sau khi kết thúc thời gian ân hạn.
Bởi vậy, có không ít lo ngại rằng nợ xấu có thể sẽ tăng đột biến trong giai đoạn cuối năm 2022 sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng các ngân hàng thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề này là không đáng lo ngại. Nợ xấu có thể tăng nhưng ít có khả năng tăng đột biến bởi chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ để đối phó với rủi ro này. Tình trạng nợ xấu cũng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng, tùy thuộc vào tập khách hàng và các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Trên thực tế, dư nợ tái cơ cấu có diễn biến tích cực khi nền kinh tế phục hồi từ đầu năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp đều trở lại mạnh mẽ giúp họ có dòng tiền để trả nợ. Nhiều nhà băng ghi nhận nợ tái cơ cấu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Chẳng hạn, tại Techcombank, dư nợ tái cơ cấu đã giảm mạnh từ 1.900 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn 500 tỷ vào cuối quý 2/2022. Theo đó, nợ tái cơ cấu trên tổng cho vay của Techcombank giảm mạnh từ 0,5% xuống 0,1%.
Tương tự tại VIB, dư nợ tái cơ cấu ở mức rất thấp, giảm mạnh từ 1.889 tỷ đồng (quý 3/2021) xuống 1.054 tỷ đồng (quý 4/2021) và chỉ còn 666 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022. Nợ tái cơ cấu của nhà băng này chỉ còn chiếm 0,3% trong tổng dư nợ cho vay, giảm mạnh so với mức 1% hồi quý 3/2021. Đây cũng là điểm khác biệt của VIB khi phần lớn những ngân hàng có tỷ trọng lớn cho vay bán lẻ vẫn còn dư nợ tái cơ cấu khá nhiều ở cuối quý 2/2022.
Tại ngày 30/6/2022, tỷ lệ nợ xấu của VIB là 1,7%. Theo Mirae Asset, tỷ lệ nợ xấu của VIB sẽ cải thiện trong nửa cuối năm, ngân hàng có thể vượt qua tác động tiêu cực của COVID-19 và chính sách thắt chặt trái phiếu doanh nghiệp nhờ tỷ lệ cho vay bán lẻ lớn, số tiền cho vay nhỏ cho mỗi khách hàng và số lượng trái phiếu doanh nghiệp thuộc nhóm thấp nhất thị trường.
ACB cũng ghi nhận dư nợ tái cơ cấu giảm 25% trong 6 tháng đầu năm xuống 13.000 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022, chiếm khoảng 3% trong tổng danh mục cho vay. Dù số dư nợ tái cơ cấu còn khá lớn nhưng đã có chuyển biến tích cực, và hơn nữa ACB vẫn đang là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu liên tục duy trì dưới 1% nhiều năm qua và cuối quý 2/2022 chỉ ở mức 0,8%, là một trong 3 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Một điểm đáng chú ý khác là trong giai đoạn thực hiện cơ cấu nợ, các ngân hàng cũng đã tăng trích lập dự phòng, và hầu hết đã trích lập 100% cho các khoản vay tái cơ cấu.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều nhà băng đã lên mức rất cao. Điển hình là Vietcombank thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6/2022, cũng là mức cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay. Ngoài ra, nhiều nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% như BIDV (279%), MB (271%), VietinBank (189%), ACB (185%),…
Theo nhận định của Mirae Asset, tỷ lệ bao phủ nợ xấu có thể đã đạt đỉnh, bởi tỷ lệ nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu đang diễn biến tốt hơn dự báo, qua đó cho phép các ngân hàng có thể hoàn nhập dự phòng hay hạ thấp tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong thời gian tới.
Nhìn chung, giới phân tích đánh giá, hoạt động quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt đã tốt lên rất nhiều trong những năm trở lại đây. Với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) liên tục được cải thiện, bộ đệm dự phòng vững chắc, chất lượng tài sản liên tục cải thiện và hoạt động xử lý nợ được đẩy mạnh, rủi ro nợ xấu sẽ không phải là điều quá đáng lo với các nhà băng.