Tại hội thảo “Dạy con trong thời đại trí tuệ nhân tạo” do Ivyprep tổ chức, TS Đàm Quang Minh chia sẻ: “Con trai tôi học lớp 9 và đạt IELTS 7.5, điểm nghe và từ vựng là 8.5. Tôi nói các thầy đừng buồn, nhưng điểm đó là từ mạng, kênh Discovery chứ không từ trường lớp”.
Ông nói thêm khi kiểm tra lịch sử máy tính của con, ông thấy nhiều bài học rất hay, được cập nhật thường xuyên hơn bài giảng ở lớp.
TS Đàm Quang Minh nói thêm, mỗi đứa trẻ có cách học khác nhau. Phụ huynh không nên thấy con hàng xóm, bạn bè thành công mà sốt ruột, rồi ép theo cách đó. Họ nên xem môi trường, cách tiếp cận nào tốt nhất với con để hướng chúng theo phương pháp phù hợp.
Theo ông Minh, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ tác động đến giáo dục, phương pháp học tập và cách phụ huynh dạy con. Nhiều người thường nghĩ AI hay công nghiệp 4.0 là thứ phức tạp. Nó còn thay đổi tương lai nghề nghiệp với hàng loạt công việc được cho là sẽ biến mất. Điều này khiến không ít cha mẹ lo lắng con mình sẽ thất nghiệp nếu không bắt kịp công nghệ.
TS Đàm Quang Minh cho rằng công nghệ không làm giảm cơ hội việc làm.
Trên thực tế, có công ty cần đến hàng nghìn công nhân điều khiển máy vận hành. Như vậy, cơ hội việc làm không biến mất, nó chỉ dịch chuyển loại hình. Thực tế, một số ngành còn rất thiếu nhân lực như công nghệ thông tin.
GS.TS Phan Quang Tuấn (ĐH Quốc gia Singapore) cho biết AI đang thay đổi cuộc sống con người. Từ đây, giáo dục cũng thay đổi với việc tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn. Hiện nay, ứng dụng AI trở nên phổ biến, nếu các trường đại học không thay đổi, họ cùng thế hệ trẻ sẽ trở thành “zombies”, khó bắt kịp thời đại.
“Ở Singapore, trẻ em học lập trình từ 10 tuổi. Điều này không có nghĩa thế hệ trẻ chỉ chú trọng lập trình. Trong quá trình nuôi dạy con, tôi rất quan tâm việc hướng chúng phát triển kỹ năng xã hội. Nó cũng là yếu tố quan trọng, quyết định con có thể thành công hay không”, GS.TS Phan Quang Tuấn cho biết.