Nằm trên giường bệnh, em T.V.D., (13 tuổi, trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị nạn.
Trước đó em được người nhà nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng bỏng rất nặng, đặc biệt là vùng mặt, ngực, cánh tay và bàn tay phải.
Ngày 20/5, các bác sỹ khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình cho biết, cháu bị bỏng độ I-II và phải nằm điều trị trong thời gian dài.
Em D được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng do trèo cột điện ... bát chim |
Theo người nhà, trước đó cháu cùng bạn đi chơi, thấy có tổ chim trên cột điện, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên đã trèo lên để bắt chim cho vui. Khi trèo lên gần đến nơi cháu đã bị điện giật và rơi xuống đất, may là cháu bị rơi xuống bụi cây dưới chân cột điện nên không bị chấn thương nặng.
Đa dạng những trường hợp bỏng điện
Các bác sỹ khoa Cấp cứu cho biết gần đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp bỏng do điện, đối tượng không những ở trẻ em mà người lớn chiếm một số lượng không ít, nhiều trường hợp phải mang theo di chứng suốt đời, thậm chí còn tử vong do bỏng nặng và không được cấp cứu, điều trị kịp thời… Ở trẻ em, khi vào mùa hè thì số lượng trẻ bị bỏng thường tăng cao hơn.
Da là bộ phận thường bị tổn thương nhất khi bị bỏng, kế đến là các lớp sâu dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan (đường hô hấp, ống tiêu hoá, bộ phận sinh dục)…
Nguyên nhân chính khiến người bệnh bị bỏng là do thiếu hiểu biết, chủ quan thao tác, lao động gần đường dây điện, không trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động, phòng tránh sự phóng điện như: ủng, găng tay… Một số bệnh nhân nghĩ rằng đường dây điện cao thế, trung thế nằm cách xa mình 1-2m sẽ không bị phóng điện…
Ở trẻ nhỏ thì nguyên nhân chính là do người lớn không để ý trông coi, các cháu lại hiếu động nên đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng.
Trường hợp cháu N.H.N., (4 tuổi, trú tại huyện Bố Trạch) là một ví dụ. Cháu được người nhà đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ, lưng, ngực, mông phía bên phải.
Người nhà cho biết, trong khi chơi ở nhà, do người lớn không để ý trông coi nên cháu đã dùng que sắt đập vào dây điện gây chập nổ và cháu cũng bị bỏng nặng.
Đau lòng hơn, ông N.V.T. (55 tuổi, trú huyện Bố Trạch) trong khi sửa thiết bị chiếu sáng trong nhà, đã bị điện giật chết. Khi người nhà phát hiện thì đã quá muộn, ông nằm chết dưới nền nhà, trên người còn có các dụng cụ sửa điện.
Xử trí kịp thời khi bị bỏng do điện
Theo các bác sỹ, dòng điện 110V có thể gây tử vong do rung thất, các dòng điện cao thế còn có thể làm liệt trung khu hô hấp, khi bị điện giật nặng có thể vừa làm ngừng tim, vừa ngừng thở. Bị điện giật nhẹ có thể bị ngừng tim một thời gian ngắn, lên cơn co giật, sau đó là hồi hộp, mê sảng…
Nếu gặp người bị điện giật, việc đầu tiên là đừng đừng cố chạm vào người để kéo nạn nhân. Nếu nạn nhân vẫn còn tiếp xúc với dòng điện, hãy tìm cách ngắt nguồn điện hoặc cố gắng tách nạn nhân khỏi điểm tiếp xúc với điện bằng một vật không dẫn điện như cán chổi hoặc đeo găng hay giày cao su, hoặc đứng lên vật cách điện.
Nếu bất tỉnh, kiểm tra đường thở và hô hấp, dùng các biện pháp hô hấp nhân tạo để hy vọng cứu sống nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh, hãy che phủ vết thương bằng gạc, vải thích hợp, không có lông tơ rồi nhanh chóng đưa nạn nhân nhập viện cấp cứu.
Tâm Huyền