Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ vùng cao ôn bài giữa sân trường về đêm, nhường lớp cho cha mẹ xóa mù chữ

(VTC News) -

Mỗi tối, tại điểm trường Cò Lò (trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Pa Ủ, Lai Châu) trẻ nhỏ tíu tít đọc sách, còn người lớn hào hứng học lớp xóa mù chữ.

Cò Lò là một trong những điểm trường xa và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Do ở đây chỉ có một phòng học, nên vào những ngày có lớp xóa mù chữ, các em nhỏ phải mang ghế ngồi học bài giữa sân trường, bất chấp cái lạnh sương giá vùng cao. (Ảnh: B.M.K)

Những lớp học xòa mù chữ được mở trong nhiều năm qua, nhằm xóa nạn mù chữ cho bà con dân tộc. Trong ảnh, trẻ ngồi ôn bài giữa sân trường, nhường phòng học duy nhất cho bố mẹ đang học xóa mù chữ (Ảnh: B.M.K)

Em Trịnh Thị Giới vui vẻ cùng các bạn lớp 3A học bài dưới ánh đèn chiếu sáng bởi pin năng lượng mặt trời. Bên trong, bố và ông nội của Giới cũng đang học. Giới cho biết, em rất vui vì điều này. Nhờ lớp học xóa mù mà cả nhà em giờ biết đọc, biết viết. (Ảnh:B.M.K)

Mấy năm trước, cô giáo Bùi Minh Khuyên, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ nhận giải thưởng 1500 USD. Cô Khuyên cùng đồng nghiệp vận động các mạnh thường quân xây dựng hệ thống điện chạy bằng pin mặt trời thắp sáng điểm trường Cò Lò. Nhờ đó học sinh có nơi vui chơi, học tập mỗi tối và nhà trường có điều kiện mở lớp xóa mù chữ. (Ảnh:B.M.K)

Trung bình mỗi năm điểm trường đón từ 30 đến 45 học sinh. Hầu hết các em đều là người đồng bào dân tộc H'Mông, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn (Ảnh:B.M.K)

Thương học sinh, nhà trường mở lớp bán trú cho các em ở xa. Tại trường ngoài việc học tập các em còn được thầy cô chăm sóc với những bữa ăn bán trú. Quần áo ấm được phát cho học sinh mỗi dịp đông về. Phụ huynh gửi con ở trường cũng rất yên tâm vì con được ăn, ngủ đầy đủ. (Ảnh: B.M.K)

Tại trường Pa Ủ, mỗi giáo viên phải làm việc gấp 3, gấp 4 lần những ngôi trường khác. Như cô Khuyên, mỗi ngày dạy 3 buổi, 2 buổi trong ngày dạy tại trường, buổi tối dạy lớp xóa mù chữ. Tuy mức lương thấp và vất vả nhưng thầy cô vẫn luôn giữ được tình yêu với nghề. Trong ảnh là đường đi dạy vất vả, gian nan của giao viên nơi đây. (Ảnh: B.M.K)

Không có cầu đường, học sinh phải lội qua suối để đến trường. Những ngày lũ lớn, các em ngồi trong khoang Gầu máy xúc để băng suối đi học. (Ảnh:B.M.K)

Ước mơ của các thầy cô giáo nơi đây là có cây cầu băng suối trên đường các em đến trường (Ảnh:B.M.K)

Vũ Ninh

Tin mới