Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ vùng cao không học trước khai giảng, giáo viên than khó khi dạy tiếng Việt

(VTC News) -

Một số nơi nhiều học sinh dân tộc thiểu số như Quảng Ngãi, Bình Phước gặp khó khăn khi dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1 vì các em không học trước khai giảng.

Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 (2016-2020) đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số sáng 13/11, theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, đặc điểm chung của học sinh dân tộc thiểu số là nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp. Việc sử dụng tiếng Việt của các em rất hạn chế; kỹ năng nghe chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Đặc biệt học sinh lớp 1 nghe rất chậm, nhiều em không hiểu nghĩa của tiếng Việt nên không thực hiện được các yêu cầu của giáo viên. Các em chủ yếu giao tiếp với bố mẹ, cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ và chỉ nói tiếng Việt khi ở trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, địa phương đã tổ chức dạy chuẩn bị tiếng Việt cho 100% học sinh người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 và tăng cường tiếng Việt cho số học sinh còn yếu về đọc, viết tiếng Việt trong 2 tháng hè. Qua đó, giúp các em có vốn từ vựng tiếng Việt, tự tin hơn trong giao tiếp giữa với bàn bè và thầy cô, vui được đến với ngôi trường mới.

Tuy nhiên, năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT quy định không được học trước khai giảng khiến học sinh dân tộc thiểu số khá vất vả khi học và làm quen với các mặt chữ từ đầu.

Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đề xuất Bộ GD&ĐT nên có tính toán lại với những trường hợp đặc thù học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa biên giới.

(Ảnh minh hoạ: Báo Quảng Ninh)

Bình Phước là tỉnh miền núi với 41 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen. Các em đến trường học tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ. Vì vậy việc dạy học cho các em rất khó khăn.

Bà Bùi Thị Minh Tú, Sở GD&ĐT Bình Phước bày tỏ, nhiều học sinh khi vào lớp 1 chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi do không có điểm trường của trường mầm non nên càng bị hạn chế về khả năng tiếng Việt.

Để đảm bảo tiến độ chương trình giao dục tiểu học, Sở GD&ĐT Bình Phước triển khai, tổ chức huy động học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi ra lớp học chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1 vào thời gian trong tháng 7, 8 hàng năm.

Sau nhiều năm thực hiện, chất lượng môn Tiếng Việt của các trường được nâng lên rõ rệt, học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, giáo viên làm quen, xây dựng nề nếp cho học sinh, học sinh được chuẩn bị tốt tâm thế trước khi vào lớp 1.

Tuy nhiên, năm học này Bộ GD&ĐT quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9 nên không thể tổ chức các lớp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh chưa qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, dẫn đến nhiều khó khăn cho các trường vùng sâu vùng xa.

Bà Bùi Minh Tú kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên có chỉ đạo riêng với các tỉnh miền núi, tiếp tục duy trì việc học tiếng Việt cho trẻ trước năm học như trước đây. Đồng thời, Bộ GD&ĐT xây dựng và quy định chế độ, mức phụ cấp, hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác huy động và dạy các lớp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt trong hè vì đây là thời gian giáo viên được nghỉ hè theo quy định.

Hà Cường

Tin mới