Chị Nguyễn Thanh Sương - Thanh Xuân, Hà Nội đưa con gái 10 tuổi đi khám vì bé sốt, đau tai, chảy dịch. Chị cho biết, nghỉ hè, chị mua vé bơi cho con hàng ngày từ 16h tới tối, bé rất thích hoạt động này. Tuy nhiên, sau bơi về con thường than đau họng, ngạt mũi. Đến một ngày bé kêu đau tai có dịch chảy, chị Sương mới cho con đi khám. Bác sĩ nói bé bị viêm tai giữa.
Trường hợp khác là Nguyễn Thùy Linh – 14 tuổi, Long Biên, Hà Nội cũng được ba đưa đi khám vì viêm tai giữa. Theo bố của bé, con đi bơi và lấy bông tăm thấm nước trong tai, không may bông tăm tuột lại ở tai, gây viêm.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, chuyên gia tai mũi họng trẻ em, mùa hè trẻ viêm tai liên quan tới bơi lội tăng lên.
Bác sĩ An cho biết trẻ đi bơi nước lạnh quá hoặc ngâm lâu quá có thể gây viêm mũi họng cho trẻ. Tình trạng viêm mũi họng kéo dài gây viêm tai giữa, nhất là với trẻ có tiền căn viêm tai thì rất dễ bị. Bố mẹ không nên cho rằng nguyên nhân là do nước bể bơi.
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý thường gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều nhất là viêm tai giữa trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ kém và cấu trúc tai chưa phát triển hoàn toàn.
Viêm tai giữa thường có những dấu hiệu đặc trưng là đau tai, nhất là khi nằm xuống, khóc thét khi ấn vào vùng tai hoặc kéo tai, khó ngủ, quấy khóc, sốt cao, chảy mủ ở tai, chán ăn, nghe kém, đau đầu, nôn ói và có thể đau bụng kèm tiêu chảy.
Viêm tai giữa không thể điều trị ở nhà mà bạn cần cho bé tới gặp bác sĩ. Viêm tai giữa lâu dễ tái đi tái lại. Nếu khám không đúng chuyên khoa có thể bệnh chuyển qua các biến chứng khác. Khi tai trẻ có mủ bạn không nên tự lấy bông ngoáy tai vì có thể làm chấn thương thêm ống tai.
Đa phần các trường hợp viêm tai giữa đều có thể khỏi bệnh mà không cần can thiệp phẫu thuật. Một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật để tránh các biến chứng như thủng màng nhĩ hoặc nhiễm trùng tai; chảy mủ tai ở người bị viêm tai giữa mủ cấp tính hoặc đã được điều trị bằng thuốc không hiệu quả; tai có cholesteatoma, một dạng biểu mô do viêm tai giữa mạn tính gây ra.
Để đi bơi an toàn, phòng viêm tai, bác sĩ An khuyến cáo cha mẹ nên chọn các bể bơi sạch sẽ. Khi đi bơi nên sử dụng nút tai. Sau bởi xong không nên ngoáy tai luôn mà nên để khoảng 2h sau nghiêng đầu để nước từ trong tai tự chảy ra.