Khó phân biệt COVID-19 với bệnh lý khác
Bé Nguyễn Hải Anh – 3 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội sốt cao kèm nôn ói. Tuy nhiên, khi bố mẹ của bé test cho con không lên hai vạch. Hơn nữa, bố mẹ của bé đã khỏi COVID-19 từ hai tuần trước nên nghĩ bé chỉ bị ốm thông thường.
Khi con sốt kèm nôn ói và uống hạ sốt không dứt nên hai vợ chồng đưa bé đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được xét nghiệm dương tính với COVID-19 nên bác sĩ hướng dẫn về theo dõi tại nhà. Trong khi đó, bố mẹ của bé test hai lần vẫn âm tính.
Trẻ test COVID-19.
Theo các bác sĩ, việc trẻ test âm tính nhưng có đủ triệu chứng của COVID-19 là bình thường vì không phải lúc nào cha mẹ cũng lấy đúng vị trí để có kết quả đúng.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn – trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM cho biết, bệnh COVID-19 cũng là một trong những trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus có tên là SARS-CoV-2 gây ra.
Triệu chứng của bệnh COVID-19 như những trường hợp nhiễm trùng hô hấp do virus khác. Khi mắc bệnh, trẻ cũng sẽ xuất hiện những triệu chứng tương tự các bệnh thường gặp (cảm lạnh, cảm cúm thông thường) như: sốt, ho, sổ mũi, đau nhức, mệt mỏi,…
BS Tuấn cho biết, rất khó để chúng ta có thể phân biệt được trường hợp trẻ bị COVID-19 với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, đặc biệt là cảm lạnh hay cảm cúm.
Cách nhận biết duy nhất xác định trẻ nhiễm COVID-19 đó là dựa vào yếu tố dịch tễ. Nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng nhiễm trùng hô hấp quen thuộc mà có tiếp xúc gần với F0 hoặc F1 thì khả năng cao là trẻ đã bị COVID-19.
Người bệnh đó từng ở, từng đến, từng đi ngang qua vùng có người bệnh mắc COVID-19 trong thời gian 14 ngày trước khi khởi phát. Em bé đó tiếp xúc với người được xác dịnh nhiễm COVID-19 thậm chí tiếp xúc với người chỉ nghi ngờ mắc COVID-19.
Trẻ đi học, trẻ chơi đùa với nhóm trẻ mà có trẻ xác định nhiễm COVID-19 thì khả năng trẻ bị mắc COVID-19 nhiều hơn.
Nhiễm Omicron nhanh hết triệu chứng
So với chủng Delta thì dường như chủng Omicron thích hoạt động ở đường hô hấp trên hơn, trong khi chủng Delta lại ưa tấn công vào đường hô hấp dưới một cách dữ dội, khi đó người bệnh sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong nhiều hơn.
Còn trẻ nhiễm chủng Omicron thường có triệu chứng ở đường hô hấp trên như sốt, ho, sổ mũi, đặc biệt là đau họng, thời gian kéo dài các triệu chứng cũng ngắn hơn, chỉ vài ngày là bệnh nhân đã cải thiện không còn triệu chứng.
Chăm sóc trẻ bị sốt (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, BS Tuấn khuyến cáo cha mẹ nên cảnh giác với trường hợp trẻ sốt cao co giật. Bởi vì nhiều trường hợp trẻ nhiễm Omicron bị sốt đến co giật khiến cho người nhà rất lúng túng trong vấn đề xử trí tại nhà.
Theo BS. Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ nhiễm COVID-19 sốt cao có thể bị co giật.
Tuy nhiên, cha mẹ nên bình tĩnh, sốt co giật là tình trạng co giật đi kèm với sốt, xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi, mà không phải do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc một nguyên nhân được xác định nào khác.
Có khoảng 3 – 4% trẻ dưới 6 tuổi có ít nhất một lần sốt co giật. Nếu gia đình có người bị sốt co giật thì khả năng trẻ bị sốt co giật xảy ra cao hơn.
Hầu hết các trường hợp trẻ đã hết co giật khi đến bệnh viện, vì vậy chị và gia đình cần biết cách chăm tại nhà khi trẻ sốt và khi trẻ xảy ra co giật do sốt.
Để phòng trẻ co giật cha mẹ nên theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên, uống nhiều nước, tránh mặc quần áo nhiều hoặc đắp chăn.
Cha mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt khi bé sốt trên 38°C (tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ đã khám cho cháu ở lần bệnh gần nhất để có sẵn thuốc hạ sốt trong nhà và liều dùng hoặc cho bé uống paracetamol 10 – 15 mg/kg/lần mỗi 4 – 6h có thể kết hợp thêm ibuprofen để hạ nhiệt).