"Mẹ ơi trời quá nóng", "Con không muốn đến nhà bà", "Chán quá mẹ ơi"... là những lời phàn nàn mà phụ huynh dễ bắt gặp ở trẻ. Lắng nghe quá nhiều lời than vãn khiến phụ huynh mất kiên nhẫn, dễ nổi giận.
Tập trung vào những điều tiêu cực cũng khiến sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng, dẫn đến trở thành người bi quan. Và chẳng ai muốn dành thời gian với những người hay than vãn nên trẻ khó xây dựng các mối quan hệ xã hội. Dưới đây là 6 cách giúp phụ huynh đối phó với những lời than vãn của trẻ.
1. Thừa nhận cảm xúc của con
Đôi khi trẻ than vãn vì muốn chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với người lớn. Thay vì nhắc "Đừng nói nữa", "Đừng than vãn nữa", bạn nên ghi nhận những cảm xúc của con. Hãy nói với con rằng: "Mẹ biết con đang rất mệt, nhưng chúng ta phải cố gắng vượt qua".
Sự chia sẻ, đồng cảm của bạn có thể là niềm an ủi đối với trẻ và chúng sẽ ngừng than vãn. Nếu trẻ tiếp tục náo loạn, bạn cần kỷ luật, nhưng đừng quy chụp cảm xúc của con. Ví dụ, con bạn kêu nóng và liên tục ném đồ chơi, hãy nói: "Bây giờ con phải cất hết đồ chơi đi vì đã ném đồ lung tung. Mẹ hiểu rằng con đang thấy nóng nhưng con không đúng khi ném đồ như vậy".
Nếu con tiếp tục la hét, kêu khóc, bạn hãy phớt lờ hoặc dẫn con rời xa đám đông để các bé ổn định cảm xúc. Hãy thể hiện rõ lập trường của bạn để trẻ không sử dụng mánh ăn vạ cho những lần sau.
2. Khuyến khích giải quyết vấn đề
Nếu con phàn nàn với bạn về nhiệm vụ bất kỳ, hãy khuyến khích các bé suy nghĩ phương pháp giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi con bạn than nóng khi phải chơi ngoài trời, bạn hãy hỏi: "Trong tình huống này con phải làm thế nào?". Câu hỏi của bạn sẽ khiến trẻ phải suy nghĩ cách để tránh nóng. Nếu trẻ không nghĩ ra, bạn hãy gợi ý con ngồi nghỉ trong bóng râm hoặc uống nước mát.
Dạy cách giải quyết vấn đề giúp trẻ nhận thức phải suy nghĩ và khắc phục thay vì than vãn. Từ đó, các bé được học về tư duy phản biện, xây dựng tính cách độc lập. Đôi khi, trẻ vẫn cần đến sự giúp đỡ của bạn nên hãy gợi ý cho con thay vì làm hộ mọi việc. Một chút khó khăn sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn việc ỷ lại vào bố mẹ.
3. Hướng đến điều tích cực
Nếu con bạn chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực trong tình huống, hãy chỉ cho các bé thấy những mặt tích cực của vấn đề. Điều này giúp các bé phát triển cái nhìn cân bằng, quan điểm đa chiều về mọi vấn đề trong cuộc sống.
Ví dụ, khi con nói "Con ghét phải rời công viên sớm vì trời mưa", bạn hãy nói rằng: "Mẹ hiểu thật tiếc khi phải dừng cuộc chơi. Nhưng thật may chúng ta không gặp mưa và vẫn có thể đến công viên một lúc".
(Ảnh minh hoạ)
4. Học cách kiểm soát
Đừng để con mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân, nghĩa là đổ lỗi cho mọi người, mọi việc xung quanh khi không vừa ý. Nếu trẻ nghĩ mình là nạn nhân trong các hoàn cảnh tồi tệ, các bé sẽ không tư duy cách khắc phục hoặc thoát ra khỏi điều đó.
Phụ huynh hãy giúp con tập trung vào những việc có thể kiểm soát hoặc thay đổi tình thế. Chẳng hạn, nếu con buồn vì không thể ra ngoài chơi khi trời mưa, bạn hãy khuyến khích con tìm ra những trò chơi trong nhà cùng gia đình như chơi cờ bàn, đọc truyện, chơi đồ chơi.
5. Thay đổi chủ đề
Trẻ em thường dễ bị phân tâm nên việc thay đổi chủ đề hoặc pha trò cười có thể giúp các bé quên đi những điều tiêu cực. Chẳng hạn, khi trẻ chán nản, bạn hãy đóng giả làm nhân vật hoạt hình mà bé yêu thích và giả vờ trò chuyện.
6. Làm gương
Hành động của trẻ em được soi chiếu từ bố mẹ nên nếu bạn hay phàn nàn, chẳng hạn về công việc, trước mặt trẻ, các bé sẽ học theo. Vậy nên dù hiểu rằng công việc có nhiều áp lực, bạn nên hạn chế phàn nàn, than vãn trước mặt các bé.