Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng

(VTC News) -

Suy sinh dưỡng thể thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng là 3 gánh nặng về dinh dưỡng mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt.

Thông tin được PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt, chủ đề Dinh dưỡng học đường do Bộ Y tế, Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng TH tổ chức, ngày 12/10.

Theo PGS.TS Trần Thanh Dương, Việt Nam hiện  đối mặ với ba gánh nặng về dinh dưỡng trẻ em, đó là tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi (hiện là 18,2%, mức trung bình của thế giới), thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em ở dưới mức 20%, là mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế). (Ảnh: Linh Nga)

Bên cạnh đó, có sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở tất cả các đối tượng, trong đó thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19% vào năm 2020, tức tăng gấp đôi sau 10 năm. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn cao, đặc biệt là sắt và kẽm.

Những tình trạng trên dẫn tới nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như: cao huyết áp, bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch.

PGS.TS Trần Thanh Dương cho rằng cần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và đặc biệt là tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ lứa tuổi học đường vô cùng quan trọng, sẽ góp phần cải thiện tầm vóc của thế hệ trẻ người Việt và giảm mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở người trưởng thành.

Mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến 2030 là giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 15%; kiểm soát tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì, nhất là ở khu vực đô thị, giữ tỷ lệ này ở mức dưới 19% ở nhóm 5-18 tuổi; tăng cường giáo dục dinh dưỡng ở nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, từ năm 2020, Bộ thực hiện thí điểm mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.

Kết quả thí điểm cho thấy, mô hình hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba nhóm: Học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện thí điểm mô hình bữa ăn học đường. (Ảnh minh họa: Linh Nga)

Chuyên gia cho rằng, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng nước ta chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.

Chuyên gia Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, Bộ cần tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh với các chương, mục, khoản quy định về dinh dưỡng học đường. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường.

GS Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là quốc gia đã thành công khi xây dựng chương trình bữa ăn học đường, từ đó cải thiện tầm vóc của người dân một cách ngoạn mục sau 50 năm.

Năm 1954, Nhật Bản đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Năm 2005, chính phủ Nhật Bản đã ban hành "Luật cơ bản về giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng". Như vậy, luật về dinh dưỡng học đường ở Nhật Bản đã ra đời từ sớm và có sự thay đổi theo từng giai đoạn, để phù hợp với tình hình thực tế về tình trạng dinh dưỡng, kinh tế và xã hội.

Như Loan

Tin mới