Theo đại diện Bộ Y tế, qua khảo sát ý kiến phụ huynh cho thấy sơ bộ trên 60% đồng tình tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Sự đồng thuận của cha mẹ trẻ rất quan trọng khi thực hiện tiêm chủng. Theo Bộ Y tế, cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
(Ảnh minh họa: Rappler)
"Chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện hơn 37 quốc gia có kế hoạch và đã triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
GS Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho biết, trẻ em mắc COVID-19 không diễn biến nặng như người lớn song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
“Nhiều cuộc thử nghiệm vaccine chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone nên ít gặp các phản ứng phụ sau tiêm”- TS Phạm Quang Thái cho biết.
Cũng theo TS Phạm Quang Thái, tiêm chủng cho trẻ em còn giúp giảm nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để mở cửa trường học một cách an toàn trong thời gian tới.
"Trẻ em 5-11 tuổi nên được tiêm vaccine COVID-19 để chủ động bảo vệ sức khỏe và sớm trở lại cuộc sống bình thường"- ông Thái nói.
Vaccine COVID-19 được chứng minh an toàn với trẻ
Theo Hiệp hội Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Philippine, vaccine COVID-19 được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với trẻ từ 5-11 tuổi. Việc mở rộng quy mô chương trình tiêm chủng cũng đồng nghĩa với việc có thêm các công cụ bảo vệ trước COVID-19.
Một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Y học New England cũng cho thấy, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/ BioNTech được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi giúp ngăn ngừa tới 90,9% nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng. Không có trường hợp bất lợi nghiêm trọng, cũng như tử vong nào được phát hiện liên quan đến việc tiêm chủng.
Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Emma McBryde tại Viện Y học và Sức khỏe Nhiệt đới Australia cho biết, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi không chỉ giúp cứu sống những người trong độ tuổi này, mà còn có tác động rộng lớn hơn. Như tại Mỹ, trong vài tháng qua, rất nhiều trẻ em từ 5- 11 tuổi đã trở lại trường học mà không được tiêm chủng và nhóm này hiện chiếm một phần đáng kể trong số các trường hợp mắc COVID-19 mới, có khả năng lây truyền virus gây bệnh cho những người khác.
“Đối với mỗi đứa trẻ mà bạn cứu được, bạn có thể sẽ cứu được rất nhiều mạng sống của người lớn nữa”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Một nghiên cứu độc lập của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đối với dữ liệu của Pfizer đã đánh giá 6 kịch bản, với các mức độ lây nhiễm khác nhau của virus trong cộng đồng và nhận thấy rằng, trong phần lớn các trường hợp, lợi ích của vaccine “rõ ràng lớn hơn nguy cơ” và những vấn đề gặp phải sau tiêm hoàn toàn có thể khắc phục được không giống như COVID-19 có thể dẫn đến tử vong.
Sau 3 năm chiến đấu với dịch bệnh, ngày 7/2, Philippines bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi. Vaccine được sử dụng có liều lượng và nồng đồ thấp hơn so với vaccine tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Myrna Cabotaje, đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Vận hành vaccine quốc gia Philippines, chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 15,5 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Trước đó, cơ quan y tế Philippines cho biết, tỷ lệ trẻ em từ 0- 11 tuổi trong tổng số ca bệnh nhi trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron cao hơn so với Delta. Các ca bệnh ở nhóm 0-11 tuổi chiếm trung bình 56% tổng số ca bệnh nhi trong tháng 9 và con số này đã tăng lên 69,2% vào tháng 1.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida cũng có kế hoạch mở rộng phạm vi tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, dự kiến ngay từ tháng 3 tới. Các dữ liệu tại tỉnh phía Nam Okinawa, nơi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc cho thấy 1/5 trong tổng số các ca nhiễm COVID-19 là trẻ em và thanh niên dưới 19 tuổi. Tương tự tại Mỹ, nước này cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở người trẻ và đây cũng là lý do khiến chính phủ quyết định giảm độ tuổi mục tiêu tiêm nhắc lại cho trẻ từ 12 so với độ tuổi mục tiêu ban đầu là 16.